Bà bảo làm khoa học nông nghiệp có đặc thù là không thể xa được đồng ruộng. Bởi đây chính là phòng thí nghiệm của mình, là nơi để gieo mầm thành quả. Nếu nghiên cứu xong, để đó, không đem đi áp dụng thì nó sẽ không có ý nghĩa gì. Mỗi khi làm ra một giống lúa, bà đem tận tay đến cho nông dân. Có khi bà cùng nông dân gieo giống, chăm sóc lúa mà không đòi hỏi bất cứ thứ gì, giống lúa cũng cho không. Đến giờ, bà đi đến đâu cũng được người nông dân hân hoan chào đón, kể chuyện, thủ thỉ đủ thứ. Cả cuộc đời tập trung làm khoa học, dành trọn tâm huyết cho khoa học, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã gặt hái được khá nhiều thành tựu. Nhưng với bà, những thành tựu ấy có được không chỉ là công sức của riêng bản thân.
Chúng ta biết ơn ngọn đèn cho chúng ta ánh sáng. Chúng ta cũng phải biết ơn giá chân đèn đã âm thầm đứng trong bóng tối để mang ngọn đèn tỏa sáng khắp nơi nơi. Với GS. TS Nguyễn Thị Lang, bà biết ơn những nhà khoa học, hàng triệu người nông dân đã làm giá chân đèn đứng trong bóng tối. Dù rằng, lợi ích mấu chốt của nghiên cứu là mang lại cho nông dân. Ở đồng bằng sông Cửu Long, lúa là cây lương thực số 1. Vì thế, bà luôn muốn “lao” vào triển khai ứng dụng, từ giống lúa 6 tháng, 4 tháng, rồi 3 tháng. Giống mới càng ngắn ngày thì làm càng rút ngắn thời gian lao động của nông dân, cũng như năng suất được tăng cao. Hiện, bà đang hợp tác với đối tác Nhật Bản để nghiên cứu sâu hơn về giống lúa “ma”. Để nếu được, bằng công nghệ lai tạo, nhân giống, bà sẽ cho ra đời những giống lúa có giá trị vượt trội, ứng phó được những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt nhất.
“Tôi chọn đi vào chiều sâu, khoa học không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu cho “đẹp” mà phải thực sự được ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả, để cạnh tranh với các quốc gia khác. Bản thân tôi luôn suy nghĩ tới đây sẽ tổ chức như thế nào để hạt gạo không chỉ được sử dụng làm thực phẩm, từ đó nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa của cây lúa cho người nông dân. Làm thế nào để nông dân có thể làm giàu trên mảnh ruộng đã mất đi ít nhiều màu mỡ? Làm thế nào để lúa gạo Việt Nam có chất lượng cao, vượt xa các nước khác, đem lại giá trị kinh tế cao”, GS.TS Nguyễn Thị Lang trăn trở.
Gạo ngon ship tận nhà
Tiếp xúc với GS.TS Nguyễn Thị Lang đã nhiều năm, ít khi nào tôi thấy bà nghỉ ngơi. Ấn tượng với tôi trong lần gặp gỡ mới đây nhất với bà là tại Ngày hội trình diễn khoa học công nghệ ở Thái Nguyên, bà cùng những cán bộ trẻ của Viện đem theo rất nhiều giống gạo khác nhau để giới thiệu, quảng bá. Không chỉ thế, để người tiêu dùng biết đến những giống gạo ngon ngày, bà bảo chỉ cần gọi điện thoại đặt hàng, sẽ có gạo chuyển đến tận nhà. Một nhóm các em sinh viên trẻ đảm nhận việc lên đơn, vận chuyển gạo đến tận tay người đặt hàng. Theo GS.TS Nguyễn Thị Lang, đó cũng là một cách tiếp thị sản phẩm để nhiều người biết đến hơn. Cần mẫn như thế, đến nay, những giống gạo ngon có thương hiệu của GS.TS Nguyễn Thị Lang đã lan tỏa ra khắp cả nước.
Bắt đầu từ đặt hàng của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu về giống lúa chống nhiễm phèn từ hơn 20 năm trước, đến nay, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã lai tạo thành công hơn 73 giống lúa, trong đó có 31 giống lúa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông công nhận và đưa vào sản xuất tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, 106 giống lúa được đánh giá là triển vọng và đang trong quá trình khảo nghiệm cấp quốc gia. Tôi hỏi, nếu tính về giá trị kinh tế thì bà có ước lượng được những giống lúa của bà đem lại bao nhiêu lợi nhuận cho người nông dân? Bà cười, bà chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Chỉ cần thấy giống lúa mình làm ra được nông dân phấn khởi trồng cấy, đem lại hiệu quả cao hơn, hạt gạo dẻo thơm hơn là bằng lòng rồi.
Dù đã nghỉ hưu, nhưng hiện công việc của GS.TS Nguyễn Thị Lang vẫn bận rộn không khác gì trước đây. Bà hy vọng tới đây, nhiều giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ ra đời, trước tiên là tạo sinh kế cho người nông dân, sau đó là phục vụ phát triển.