Nhiều thành phố châu Âu đã tận dụng ga tàu điện ngầm, tuyến metro để tăng giá trị du lịch với các địa điểm nổi tiếng, thậm chí giúp du khách chỉ cần đi metro cũng tham quan toàn bộ thắng cảnh thành phố. Ông Bình dẫn chứng tại thành phố Rome (Italy), du khách có thể đến đấu trường La Mã Colosseo từ ga ngầm Colosseo dưới khu di tích, cửa lên xuống cách đấu trường 80 m.
Cùng quan điểm, ông Phạm Văn Khánh, nguyên Cục trưởng Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), cho rằng bản chất ga tàu điện đô thị cần được xây ở nơi đông người, mật độ đi lại lớn. Ga càng sát trung tâm đô thị thì hiệu quả tuyến càng lớn. Việc đặt ga C9 sát với các di tích không làm hỏng cảnh quan mà ngược lại có thể phát huy triệt để giá trị văn hóa, du lịch của các công trình kiến trúc.
"Hướng tuyến ban đầu (phương án 2) đã được đơn vị thiết kế khảo sát, lựa chọn kỹ, đáp ứng tiêu chuẩn về tốc độ tàu, bán kính đường cong tuyến... Nếu thay đổi sẽ kéo theo nhiều bài toán kỹ thuật, dẫn đến đội chi phí không cần thiết", ông Khánh nhận định.
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất đối với dự án là Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch và một số chuyên gia văn hóa cho rằng xây ga C9 trong vùng bảo vệ II của di tích Hồ Gươm là vi phạm Luật Di sản văn hóa.
Từng tham gia vào quá trình thẩm định đề án ga tàu điện với yêu cầu bảo vệ cảnh quan Hồ Gươm, nhà sử học Dương Trung Quốc nói ông hiểu quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa là lo ngại đào bới sát các di tích nổi tiếng như Hồ Gươm, tháp Bút, đền Ngọc Sơn có thể gây ra những tổn hại không thể hồi phục.
Tuy nhiên, quan điểm bảo tồn văn hóa, tâm linh phải phù hợp với bối cảnh xã hội và xu hướng phát triển. Sự ưu việt của công nghệ hiện nay sẽ giảm thiểu đáng kể xung đột giữa hai xu hướng này.
"Hà Nội cần cân đối giữa yếu tố văn hóa, tâm linh, bảo tồn và nhu cầu phát triển đô thị, hạ tầng xã hội. Mục tiêu cuối cùng phải là phục vụ người dân, cải thiện bộ mặt thủ đô", ông Quốc nhấn mạnh.