Nhờ luộc 18kg hải sản, chủ nhà hàng “vặt” khách 4,5 triệu đồng tiền công

Trần Hoà | 09/07/2022, 09:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mới đây, một nhà hàng kinh doanh Phan Thiết (Bình Thuận) bị tố “vặt” của khách hàng 4,5 triệu đồng khi được nhờ luộc 18kg hải sản.

Đại diện đoàn khách cho biết, buổi trưa chủ nhật đầu tháng 7/2022 vừa qua, đoàn có ghé Nhà hàng Hùng Vương ăn cơm và sẵn nhờ luộc 18kg hải sản, nhưng tiền phụ thu lên đến 4,5 triệu đồng là quá cao…

Chủ nhà hàng Hùng Vương xác nhận có phụ thu mỗi kg hải sản là 250 nghìn đồng, tức tổng cộng 4,5 triệu đồng cho 18kg hải sản (ốc hương, tôm hùm…) mà đoàn khách đem từ bên ngoài vào.

Tuy nhiên, anh Nguyễn Ngọc Phong - Quản lý nhà hàng này cho rằng, đây là mặt bằng giá chung của các nhà hàng lớn hiện nay, có nhiều nơi còn phụ thu cao hơn. Đồng thời nhà hàng cũng có làm việc, thỏa thuận với hướng dẫn của đoàn và đã đồng ý với mức giá phụ thu như thể hiện trong hóa đơn.

Trở lại với đoàn khách, dù chấp nhận thanh toán mức phụ thu cho 18kg hải sản mà nhà hàng H.V đưa ra, nhưng vẫn cho rằng tiền công (chỉ là luộc, hấp) như vậy là quá cao, không phải mức giá hợp lý.

nho-luoc-18kg-hai-san-3.jpg
Nhờ luộc 18kg hải sản, chủ nhà hàng “vặt” khách 4,5 triệu đồng tiền công

Sự vụ nhờ luộc 18kg hải sản, chủ nhà hàng “vặt” khách 4,5 triệu đồng tiền công đang gây tranh cãi trên mạng xã hội. Người thì đồng tình với chủ nhà hàng, người thì lên án vì cho rằng bắt bí khách hàng.

Báo Giáo dục Thủ đô từng nhiều lần phản ánh về tình trạng chặt chém khách du lịch. Một bát mì xào của nhà hàng hải sản Ngọc Phú (Nha Trang - Khánh Hoà) có giá 200 nghìn. Mánh khoé “chặt chém” này của nhà hàng đã bị cơ quan chức năng xử phạt 21 triệu đồng.

Thế nhưng đây chỉ là một trong vô vàn ví dụ về nạn “chặt chém” liên quan đến ăn uống. Chỉ cách đây 2 tháng cũng tại Nha Trang, không ít du khách mất thiện cảm sau vụ hải sản 42 triệu đồng, và những pha chém đẹp về “mực đạp chân” dai như cao su không ai nhai nổi.

Còn tại Quảng Ninh vài năm trước, 5 con tôm tít có giá 3,5 triệu đồng. Khách hỏi: “Sao đắt thế?”. Nhà hàng giải thích: “Các bạn đi ôtô chắc là người nhiều tiền”. Vậy là, người đi ô tô thì giá cao, còn người đi xe đạp có lẽ sẽ được “thương” mà giảm cho chút ít.

Cũng tại Quảng Ninh, từng xôn xao vụ một con mực giá 7 triệu đồng, khiến du khách Nhật Bản ngao ngán mãi không quên – khi hải sản Việt Nam đắt gấp mấy lần ở Nhật.

Tiếng lành đồn xa thì tiếng dữ cũng đồn xa. Hình ảnh về văn hoá kinh doanh của Việt Nam sẽ xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế, kéo theo hàng loạt những hệ luỵ - mà đầu tiên chính là những khó khăn khi quảng bá văn hoá ẩm thực.

Làm ăn chộp giật, coi trọng lợi nhuận bất chính qua hành vi “chặt chém” người thưởng thức ẩm thực phải được coi là một tệ nạn. Đã là tệ nạn thì phải đấu tranh, loại bỏ triệt để thì mới có cơ hội hình thành được nền ẩm thực có văn hoá.

Nếu cứ để tình trạng người xây – kẻ phá, thì việc xây dựng nền văn hoá ẩm thực sẽ khó thành hiện thực. Chủ nhà hàng, người bán đồ ăn cần có ý thức thức trách nhiệm và lòng tự trọng trong việc chế biến và cân đối lợi nhuận sao cho hài hoà.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần tính đến phương án căn cốt, không thể tin tưởng tuyệt đối hay phó thác trách nhiệm cho người kinh doanh. Nếu cứ để việc “chặt chém” xảy ra rồi mới xác minh xử lý – thì chẳng khác nào một bức tranh đẹp chờ kẻ phá hoại làm cho nhem nhuốc.

Bức tranh hỏng rồi, việc xử lý kẻ phá hoại cũng chỉ là một thủ tục hành chính – không mấy tác dụng. Văn hoá còn hơn thế, đó là thứ không thể tẩy xoá. Bởi vậy, cách tốt nhất để gìn giữ là đừng để những thứ nhem nhuốc làm vấy bẩn văn hoá.

Bài liên quan
Ninh Bình: Thông báo khẩn tìm người có mặt tại Buffet hải sản Quang Dũng
Sáng 3/11, CDC Ninh Bình phát đi thông báo khẩn tìm người có mặt tại Buffet hải sản Quang Dũng, vì liên quan đến ca mắc Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhờ luộc 18kg hải sản, chủ nhà hàng “vặt” khách 4,5 triệu đồng tiền công