Những bức họa dữ dội của 'người hiền' Nguyễn Đoan Ninh

Trần Hoà | 14/04/2023, 10:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Triển lãm solo của họa sĩ Nguyễn Đoan Ninh đang diễn ra tại Mipec Riverside HaNoi đến hết ngày 21/4.

Loạt tranh khổ lớn trong cuộc trưng bày solo của họa sĩ Nguyễn Đoan Ninh đang gây sự chú ý của giới mỹ thuật cũng như những người mộ điệu bởi sự dữ dội, ngoạn mục.

Nhiều người gọi Nguyễn Đoan Ninh là “người hiền” hoặc “kẻ sĩ”, bởi phong thái và phong cách lao động sáng tạo đầy châm biếm, phóng khoáng. Đứng trước những bức họa của Nguyễn Đoan Ninh, người xem dễ bị “ngợp” trước các ý tưởng sáng tạo độc đáo.

Một con đường với lối vẽ khác biệt

Triển lãm solo của họa sĩ Nguyễn Đoan Ninh đang diễn ra tại Mipec Riverside HaNoi đến hết ngày 21/4 mới kết thúc, nhưng ngay từ khi mở cửa (8/4) đã thu hút đông đảo giới mỹ thuật và công chúng yêu mến hội họa đến chiêm ngưỡng loạt tác phẩm được đánh giá kỳ lạ nhất trong những triển lãm hội họa ở miền Bắc khoảng đầu năm 2023 này.

Theo giới chuyên môn, điều kỳ lạ thứ nhất trong triển lãm này là tuy sinh ra trong một gia đình truyền thống và tham gia môi trường mỹ thuật chuyên nghiệp từ rất sớm (tốt nghiệp Khoa Sơn mài - ĐH Mỹ thuật Công nghiệp 1998, thân phụ của ông là nghệ sĩ gốm nổi tiếng Nguyễn Trọng Đoan), nhưng mãi cho đến tận năm 48 tuổi, Nguyễn Đoan Ninh mới cho ra mắt triển lãm cá nhân đầu tiên.

Điều thứ hai được cho là kỳ lạ bởi nếu ai mới được nhìn thấy những bức tranh này qua ảnh khổ nhỏ, thì sẽ tưởng đây là tranh thuộc phong cách “Mạn họa” - một cách gọi tổng hợp thể loại mà tranh minh họa, biếm họa, tiếu họa, phụ họa… là những nhánh - nét trong thể loại này, rất gắn với văn học tính và ý tưởng song hành với một câu chuyện kể, các lời bình luận thực tại. Tranh thường nhỏ, lấy nét hình làm chủ đạo, khổ tranh to hơn bàn tay một chút là được.

Tuy nhiên, khi được xem trực tiếp từng bức tranh của Nguyễn Đoan Ninh, mới thấy rằng không phải vậy. Đầu tiên là khổ tranh rất lớn (bức nhỏ nhất chiều ngang 1,2m, cao 1,6m, bức lớn nhất cao 2m, dài 4,8m).

Kiến trúc sư Trung Đoàn nhận xét, Nguyễn Đoan Ninh khám phá một con đường khác, một lối vẽ khác. Lâu nay giới nghệ sĩ tô điểm minh họa cho cái đẹp khiến cho nhân loại ngộ độc về cái đẹp.

Nguyễn Đoan Ninh dấn thân đi sâu vào tính xấu của con người và nhìn thẳng vào thân phận đau đớn của họ. Họa sĩ cúi xuống vẽ về thói xấu, dục vọng, sự tàn nhẫn, tâm thức chiến tranh, thói mặc kệ lười suy nghĩ của con người.

Là triển lãm solo đầu tiên, nhưng giới mộ điệu đã biết đến Nguyễn Đoan Ninh qua các tác phẩm đầy dữ dội qua từng mảng khối, nét vẽ. Mới đây nhất, vào năm 2022, tranh hổ với 48 bức vẽ khắc họa hình tượng oai nghiêm của chúa sơn lâm vừa hùng tráng lại thâm trầm tình cảm đã đem đến những cảm nhận riêng rất khác biệt trong phong cách của Nguyễn Đoan Ninh.

Những bức họa dữ dội

Những bức họa dữ dội của 'người hiền' Nguyễn Đoan Ninh ảnh 1
Các bức họa của Nguyễn Đoan Ninh dễ đem lại cảm giác 'ngợp' bởi phong cách kỳ ảo siêu thực.

Về triển lãm lần này, họa sĩ Nguyễn Đoan Ninh cho biết vì giấy phép quá sát giờ khai mạc nên không kịp chuẩn bị chu tất các khâu. Ngay cả thông tin về tác phẩm cũng như thông tin tác giả cũng không kịp hoàn thiện. Thế nhưng, đồng nghiệp và những người yêu tranh vẫn kéo đến đông để thưởng lãm.

Có thể thấy tranh của Nguyễn Đoan Ninh rất khó cảm nhận, càng khó hơn khi đưa ra nhận xét. Để hiểu rõ họa sĩ vẽ gì và ẩn chứa bên trong là thông điệp gì - có lẽ người xem cũng cần mở rộng hiểu biết bản thân sang cả lĩnh vực lịch sử, tôn giáo và phân tâm học.

Có ý kiến cho rằng, tranh Nguyễn Đoan Ninh khởi thủy cảm xúc từ Trường ca “Thần Khúc” của thi hào Ý Dante Alighieri (1265 - 1321).

Đây là bản trường ca nổi tiếng thế giới được sáng tạo trong 12 năm gồm 100 khổ với 14.233 câu thơ mô tả hình ảnh tưởng tượng ba tầng Hỏa ngục - Luyện ngục và Thiên đàng (Thiên chúa giáo).

Tác phẩm “Thần khúc” từng kéo theo cả một chuyến tàu hội họa cổ điển phương Tây với nhiều họa sĩ lừng danh sáng tạo trên nền tảng cốt truyện.

Tranh Nguyễn Đoan Ninh đặc biệt ấn tượng bởi ngôn ngữ tạo hình. Dùng chất liệu sơn tổng hợp trên toan, nhưng tác giả lại tạo bề mặt “đắp” sợi trên bề mặt tạo hình phủ trước giấy dó. Thế nên nhìn qua những nếp nhăn và mạch sợi, người xem có thể liên tưởng kỹ thuật giải phẫu y học.

Những bức họa dữ dội của 'người hiền' Nguyễn Đoan Ninh ảnh 2
Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Đoan Ninh.

Trên tranh, những “mạch máu sống động” không ngưng nghỉ, nửa tranh, nửa phù điêu trong một tổng thể hình tượng siêu thực. Điều kỳ lạ cuối cùng, mà giới bình luận mỹ thuật Việt dự đoán sẽ tạo nên giá trị đích thực dài dài sau cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của một họa sĩ trung niên là những cái nhìn đầy chất hiện sinh đương đại đối với thực tại.

Tranh Nguyễn Đoan Ninh có rất nhiều tầng nghĩa. Nhìn qua có phần hài hước song xem kỹ thì sâu cay, đau đớn. Ông vẽ nhiều trên chất liệu giấy dó hình ảnh con người Việt Nam, song đa số các hình ảnh đó đều ẩn giấu sự xót xa, thương cảm.

Ví dụ về người mẹ Việt Nam đầy đau khổ, bất lực - sự vất vả đớn đau hằn lên từng thớ thịt chân tay và mọi góc cạnh khuôn mặt, đi cùng đó là thái độ giễu nhại quyền lực đen tối tàn nhẫn.

“Tranh của Nguyễn Đoan Ninh càng nhìn càng thấy mãnh liệt và như một hiện thực, một lịch sử về tâm thức. Phía bên ngoài tranh nhìn bằng mắt thường thấy lờ mờ do họa sĩ cố tình dấu cái mãnh liệt của hình khối vào trong, song bản chất tranh có nhiều lớp. Xem triển lãm này tôi thêm có niềm tin vào hội họa và con người Việt Nam. Các họa sĩ trong đó có Nguyễn Đoan Ninh đang vạch ra một chân trời đầy sáng tạo trong nền nghệ thuật nhân loại - nhìn thẳng vào cái xấu của con người” - Kiến trúc sư Trung Đoàn.

Bài liên quan
Họa sĩ Đào Minh Tri ngược dòng sau nửa thế kỷ hội hoạ
Triển lãm 'Ngược dòng - Nửa thế kỷ hội họa Đào Minh Tri' sẽ diễn ra từ ngày 22 – 28/3 tại Hội Mỹ thuật TPHCM.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những bức họa dữ dội của 'người hiền' Nguyễn Đoan Ninh