Những lỗi sai cần tránh khi làm bài thi môn Ngữ văn

Hồng Hải | 07/05/2023, 19:29
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đang đến gần, cùng với tăng tốc ôn tập học sinh cần lưu ý một số lỗi sai để bài thi môn Ngữ văn đạt kết quả cao.

Không đọc kĩ đề, từ khoá

Cô Vũ Thị Thanh Thủy, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Đồng Triều (Quảng Ninh) cho biết, giai đoạn “nước rút”, học sinh thường tập trung luyện đề mà chưa chú ý những lỗi sai gây mất điểm.

Cấu trúc bài thi môn Ngữ Văn bao gồm 2 phần: đọc hiểu (3 điểm) và làm văn (7 điểm). Ở mỗi câu, học sinh bị trừ ít nhất 0,25 điểm nếu mắc lỗi sai và tùy vào mức độ điểm trừ sẽ tăng lên.

Theo cô Thủy, phần đọc hiểu, kiến thức không khó nhưng học sinh dễ sai khi không đọc kĩ, bỏ sót thông tin đề yêu cầu hoặc trả lời dài dòng, thừa thông tin.

“Một mẹo nhỏ giúp học sinh làm đâu trúng đấy cho bài đọc hiểu là cần gạch chân từ khóa đề bài. Đề bài yêu cầu gì trả lời đúng trọng tâm, không giải thích lan man gây mất thời gian” cô Thủy chia sẻ.

Với phần nghị luận xã hội, yêu cầu viết đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ. Tuy nhiên, học sinh hay viết quá so với dung lượng đề bài.

“Có 3 lỗi cần tránh khi viết đoạn văn nghị luận xã hội: Xác định vấn đề nghị luận chưa chính xác; chưa nắm vững kỹ năng khai thác kiểu bài, trình bày không đúng trọng tâm vấn đề yêu cầu; thiếu dẫn chứng cụ thể hoặc dẫn chứng không thuyết phục.

Để khắc phục những lỗi này, học sinh cần nắm vững kỹ năng viết đoạn văn nghị luận theo từng kiểu bài. Đồng thời, chú ý soát các bước thực hiện cho lập luận sâu sắc và tập trung vào trọng tâm đề bài yêu cầu như: ý nghĩa vấn đề, bài học hành động” cô Thủy nói.

Không học kiểu “nhồi nhét”

Những lỗi sai cần tránh khi làm bài thi môn Ngữ văn ảnh 1
Cô Vũ Thị Thu Thuỷ, giáo viên môn Văn, Trường THPT Đông Triều lưu ý học sinh những lỗi sai cần tránh

Cùng với đọc hiểu và nghị luận xã hội, nghị luận văn học cũng là phần học sinh dễ mắc lỗi. Cô Thủy lưu ý một số lỗi sai cần tránh trong phần nghị luận văn học:

Thứ nhất, không lập dàn ý trước khi viết bài, nghĩ gì viết nấy, dẫn đến việc thiếu, thừa hoặc sắp xếp trình tự luận điểm, luận ý lộn xộn.

Thứ hai, thiếu liên kết giữa các đoạn trong bài văn, chuyển ý chưa mềm mại (thường gặp ở thân bài).

Thứ ba, bỏ qua phần so sánh, mở rộng liên hệ với các tác phẩm cùng đề tài, cùng thời hoặc các tác phẩm của cùng tác giả. Thêm vào đó, chưa biết vận dụng kiến thức lý luận văn học để bài viết thêm sâu sắc, hấp dẫn, sáng tạo.

Thứ tư, chỉ chú trọng làm rõ nội dung, không khai thác khía cạnh nghệ thuật và thiếu dẫn chứng cụ thể.

Thứ năm, sa vào giải thích vụn các chi tiết của đoạn trích, tác phẩm; sa vào tóm tắt cốt truyện hoặc diễn xuôi ý đoạn thơ.

Để làm tốt bài nghị luận văn học, học sinh cần định hình dàn ý với các luận điểm chính ra giấy nháp. Đồng thời, tham khảo thêm một số tài liệu, sách văn học để tăng vốn kiến thức và khả năng sáng tạo khi viết bài văn.

Cô Thủy cũng khuyên thí sinh, trước kỳ thi nên sắp xếp thời gian ôn tập khoa học, không học kiểu “nhồi nhét” gây căng thẳng, áp lực.

“Học sinh nên đặt mục tiêu phấn đấu với từng môn, chủ động rà soát kiến thức phù hợp với thời gian của lộ trình ôn tập đã đặt ra trước đó. Đồng thời, ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh để chuẩn bị sức khỏe và tâm thế thật thoải mái trước kỳ thi” cô Thủy dặn dò.

Bài liên quan
Kỹ năng làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn
Cô Lê Hải Châu, giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ lưu ý giúp học sinh hoàn thành tốt bài thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những lỗi sai cần tránh khi làm bài thi môn Ngữ văn