Những lưu ý giúp làm tốt bài Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 2022

27/06/2022, 11:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cô Lê Hải Châu, Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) đưa ra những lưu ý giúp học sinh làm tốt bài thi tự luận môn Ngữ văn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Lưu ý làm bài phần Đọc-hiểu

Lưu ý chung khi làm phần Đọc-hiểu, cô Lê Hải Châu gợi ý thí sinh nên viết đáp án theo thứ tự câu hỏi. Câu 1, 2, 3, trả lời rõ ràng bằng cách gạch đầu dòng; riêng câu 4 nên trình bày thành đoạn văn khoảng 5-7 dòng. Câu trả lời cần viết đầy đủ ngữ pháp. Ví dụ, đề hỏi: “Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ/đoạn văn?”, cần trả lời: “Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ/đoạn văn trên là…”. Với phần này, thời gian dành để làm bài khoảng từ 20-25 phút.

Về chi tiết, cô Lê Hải Châu cho biết: Phần Đọc-hiểu thường có câu 1, 2 là cấp độ nhận biết; câu 3 thường là cấp độ thông hiểu; câu 4 thường là cấp độ vận dụng.

Ở cấp độ nhận biết, với câu hỏi bắt đầu bằng cụm từ mệnh lệnh “Theo đoạn trích, theo tác giả, tại sao tác giả cho rằng?...”, học sinh chỉ cần tìm trên ngữ liệu và ghi lại đầy đủ, chính xác. Đối với câu hỏi xác định phương thức biểu đạt, thể thơ, thao tác lập luận, phong cách ngôn ngữ, phép liên kết, học sinh cần ghi nhớ dấu hiệu nhận biết.

Cấp độ thông hiểu, với dạng câu hỏi “Theo anh /chị hiểu…?”, cô Lê Hải Châu gợi ý cách trả lời như sau: Nếu câu có nhiều vế thì lý giải từng vế; nếu câu có một vế thì chọn từ khoá để lý giải và rút ra ý nghĩa cả câu. Thí sinh đưa ra nhiều đáp án để có cơ hội trúng với đáp án chính thức.

Đối với câu hỏi yêu cầu chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ, học sinh nên triển khai theo 3 bước: Gọi tên biện pháp tu từ; ghi lại từ ngữ/hình ảnh/câu thơ/câu văn sử dụng biện pháp tu từ đó; nêu tác dụng của biện pháp tu từ.

Cấp độ vận dụng ở phần Đọc-hiểu thường rơi vào câu hỏi cuối cùng. Cô Lê Hải Châu gợi ý: Nếu câu hỏi yêu cầu nêu bài học/thông điệp, học sinh cần ghi rõ bài học/thông điệp mà mình tâm đắc, hoặc có ý nghĩa và lý giải. Nếu câu hỏi yêu cầu thể hiện quan điểm đồng tình/không đồng tình: Học sinh nêu rõ quan điểm và lý giải; nếu đồng tình thì trả lời theo hướng nêu ý nghĩa của quan điểm đó, nếu không đồng tình trả lời theo hướng phản biện lại quan điểm đó.

Lưu ý làm bài phần Làm văn

Trong đề thi tốt nghiệp THPT, phần Làm văn sẽ có yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội vàbài văn nghị luận văn học.

Cô Lê Hải Châu khuyên thí sinh nên dành tối đa 25 phút cho nội dung viết nghị luận xã hội. Để làm tốt, thí sinh cần xác định đúng vấn đề nghị luận qua các từ khóa ở đề bài và sử dụng kết hợp các thao tác lập luận như: phân tích, giải thích, bình luận; cách thức đặt câu hỏi 5W-1H để lập ý và tìm dẫn chứng.

5 bước tạo lập đoạn văn nghị luận xã hội nhanh thí sinh có thể tham khảo gồm: Giới thiệu, dẫn dắt; giải thích; phân tích, chứng minh; bình luận, phản đề; rút ra kết luận. Lưu ý: Không lấy dẫn chứng trong các tác phẩm văn học cho bài viết.

Viết bài văn nghị luận văn học, theo cô Lê Hải Châu, thí sinh nên dành tối đa 70 phút. Ở câu này, phần mở bài thí sinh cần bảo đảm đủ 3 ý: Kiến thức tác giả (vị trí, phong cách sáng tác); kiến thức tác phẩm (xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác); vấn đề nghị luận (vấn đề nghị luận chính là yêu cầu của đề bài).

Thân bài chia thành 3 ý. Ý 1, khái quát chung: Tóm tắt truyện, tình huống truyện, cảm hứng chủ đạo, giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh...

Ý 2 (ý chính, thường sẽ là phân tích/cảm nhận): Về nội dung, trong quá trình phân tích, thí sinh cần trích dẫn chứng, ngữ liệu đi kèm và cần phải hướng đến vấn đề nghị luận để bài viết đúng trọng tâm. Về nghệ thuật: Bài viết phải tạo ý, tách đoạn linh hoạt, phù hợp; vì khi nhìn hệ thống luận điểm, đoạn văn, người chấm sẽ thấy được rõ tư duy của người viết. Ngoài ra, thí sinh cần kết hợp kiến thức lý luận, so sánh liên hệ khi phân tích để có điểm số tối đa.

Ý 3 (ý phụ): Thí sinh viết thành đoạn văn ngắn, không phân tích dài dòng. Ý phụ thường sẽ là nhận xét/chỉ ra, mang tính chất nâng cao, phân hoá đối tượng học sinh nên các học sinh giỏi, khá cần đặc biệt lưu ý.

Kết bài: Khẳng định vấn đề nghị luận; đánh giá vị trí đoạn thơ/đoạn văn trong toàn bộ văn bản/sự nghiệp sáng tác của tác giả/nền văn học.

Theo cô Lê Hải Châu, thí sinh nên dành 5 phút cuối giờ để soát lại bài, soát các lỗi chính tả, ngữ pháp, tránh bị mất điểm oan.
Bài liên quan
Kỳ thi tốt nghiệp THPT: "Bí kíp" đạt điểm cao của các thủ khoa
GD&TĐ - Những cựu Thủ khoa tại Đà Nẵng ở các Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã “mách nước” giúp thí sinh vững tâm lý, ôn bài hiệu quả nhằm đạt thành tích cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những lưu ý giúp làm tốt bài Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 2022