Nếu vẫn muốn ăn, nhóm người này chỉ ăn bắp cải số lượng nhỏ, khoảng 2 bữa mỗi tuần là an toàn. Nên ngâm rửa từng lá và thái nhỏ, để khoảng 10-15 phút rồi mới chế biến để goitrin bị phân hủy hết.
Người hệ tiêu hóa kém
Ưu điểm của bắp cải là chứa nhiều chất xơ, hỗ trợ nhuận tràng, ngừa táo bón... Tuy nhiên người đang tiêu chảy nếu ăn nhiều loại rau này có thể khiến tình trạng thêm trầm trọng, khó điều trị hơn.
Ngoài ra, rau bắp cải dễ sinh khí, có thể gây đầy bụng nếu ăn sống. Vì vậy những người bị đau dạ dày, hay bị chướng bụng, đầy hơi nên hạn chế ăn bắp cải sống, tốt nhất nên làm chín trước khi ăn.
Người bị bệnh thận
Theo nghiên cứu, bắp cải là loại rau chứa khá nhiều axit oxalic. Khi được tiêu thụ quá nhiều, lượng axit oxalic này có thể kết hợp với các chất dinh dưỡng cần thiết bên trong cơ thể như canxi, mangiê, sắt, kali... tạo thành các muối oxalat.
Oxalat calci có thể lắng đọng ở thận, làm tăng khả năng hình thành sỏi ở thận, gây ra sỏi thận. Do đó người đang bị suy thận nặng, phải chạy thận nhân tạo không nên dùng bắp cải. Người có tiền sử sỏi thận nên hỏi ý kiến bác sĩ về liều lượng ăn bắp cải phù hợp.
Với người khỏe mạnh, khi ăn bắp cải nên cắt nhỏ và nấu kỹ để giảm thiểu lượng axit oxalic trong loại rau này.
Người tạng hàn
Theo Đông y, bắp cải có tính hàn, nên những ai yếu người, lạnh tay chân hay gặp các vấn đề liên quan đến phong hàn không nên ăn bắp cải vì sẽ làm bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn ăn bắp cải thì có thể cho thêm một nhánh gừng đập dập và luộc cùng bắp cải sẽ khiến trung hòa bớt tính hàn có trong bắp cải.
Người bị dị ứng, xuất huyết dưới kết mạc
Ăn bắp cải làm cho tình trạng dị ứng, xuất huyết dưới kết mạc trở nên trầm trọng hơn, nhất là dưa bắp cải muối chua, vì có chứa histamine có khả năng gây ngứa, chảy nước mắt, xung huyết và chảy nước mũi.