Các bà mẹ ở tuổi vị thành niên đối mặt với nguy cơ sản giật, viêm nội mạc tử cung sau sinh và nhiễm trùng toàn thân cao hơn so với phụ nữ ở độ tuổi 20-24, và con của các bà mẹ ở tuổi vị thành niên đối mặt với nguy cơ nhẹ cân, sinh non và tình trạng sơ sinh nghiêm trọng cao hơn.
Nếu mang thai ngoài ý muốn, người mẹ thiếu niên có thể không nhận được sự chăm sóc trước khi sinh mà người mẹ và em bé cần hoặc thậm chí có thể không đủ sức khỏe để sinh con đủ tháng.
Thực tế, nhiều thanh thiếu niên mang thai và đang nuôi dạy con cái phải vật lộn với nhiều yếu tố gây căng thẳng, rủi ro sức khỏe và các vấn đề phức tạp khác. Thanh thiếu niên thường không được chuẩn bị cho những thực tế liên quan đến việc nuôi dạy trẻ sơ sinh. Thông thường, các mối quan hệ phức tạp và gánh nặng tài chính kết hợp với việc cân bằng việc học hành và nuôi dạy con cái sẽ gây căng thẳng cho bà mẹ và có thể khiến trẻ sơ sinh gặp rủi ro.
Mang thai ở tuổi vị thành niên cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với các em gái
Nhiều cha mẹ tuổi teen là độc thân. Việc làm cha mẹ khi tuổi còn nhỏ có thể gây ra những căng thẳng về tài chính và tình cảm, căng thẳng giữa cha mẹ sẽ khiến em bé gặp rủi ro. Có thể gặp một vài trường hợp bé gái mang thai và giấu gia đình, bạn bè, khi sinh con ra đã làm hại đứa trẻ để che giấu.
Mang thai ở tuổi vị thành niên cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực về kinh tế và xã hội đối với các em gái, gia đình và cộng đồng của các em. Thanh thiếu niên đang mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ gặp khó khăn trong việc hoàn thành việc học. Chỉ 3% thanh thiếu niên sinh con sớm được nhận bằng tốt nghiệp đại học trước 30 tuổi.
Thanh thiếu niên mang thai chưa lập gia đình có thể phải đối mặt với sự kỳ thị hoặc từ chối của cha mẹ và bạn bè cũng như các mối đe dọa bạo lực. Những cô gái mang thai trước 18 tuổi cũng có nhiều khả năng bị bạo lực trong hôn nhân hoặc từ bạn đời sau này.
3. Có thể làm gì để giảm thiểu rủi ro?
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ thương tật và tử vong do nạo phá thai không an toàn ở trẻ em gái vị thành niên và nữ thanh niên trẻ khá cao. Ước tính năm 2008 số ca phá thai không an toàn ở vị thành niên trong độ tuổi từ 15-19 tại các nước đang phát triển là khoảng 3 triệu ca; thai chết lưu và tử vong sơ sinh chiếm hơn 50% các ca sinh của các bà mẹ dưới 20 tuổi so với những bà mẹ từ 20-29 tuổi. |
Khi trẻ không được tiếp cận hoặc tiếp cận không đầy đủ với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, chưa được giáo dục đúng cách về giới tính cũng như sức khỏe tình dục, cha mẹ còn e ngại hoặc hời hợt về việc giáo dục cho con em... dẫn đến nguy cơ mang thai ngoài ý muốn rất cao và để lại nhiều hệ lụy trong tương lai.
Để giảm thiểu những rủi ro của việc mang thai ngoài ý muốn cũng như những hệ lụy của việc nạo phá thai không an toàn ở tuổi vị thành niên, cần thực hiện tốt chiến lược truyền thông, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và cuộc sống của trẻ em gái vị thành niên, đồng thời bảo vệ các quyền con người cho các em.
Thanh thiếu niên có quan hệ tình dục cần hiểu rõ việc tránh thai bằng các phương pháp ngừa thai hiệu quả và được phổ biến rộng rãi. Các em gái phải có khả năng tự đưa ra quyết định về cơ thể và tương lai của mình, hiểu được tác động của việc mang thai ở tuổi vị thành niên và được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp và giáo dục giới tính toàn diện.