Sau một năm tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện bản thân, năm 1997, cô Hà về “đầu quân” cho Trường THCS Trưng Vương và công tác liên tục tại ngôi trường giàu truyền thống này đến nay đã tròn 25 năm.
25 năm theo nghề dạy học, cô Hà chia sẻ: lứa tuổi học sinh THCS, người giáo viên không nên quá chú trọng vào việc dạy kiến thức mà cần tác động nhiều hơn vào cảm xúc của học sinh để giáo dục. Việc dạy kiến thức cũng quan trọng nhưng cái quan trọng hơn là dạy cho học sinh có phương pháp học, có ý thức tự học. “Với môn Ngữ văn, mình không quá chú trọng đến kiến thức mà tập trung nhiều hơn vào phương pháp để các em nghe giảng và được khám phá một văn bản văn chương một cách nhẹ nhàng nhất”, cô Hà chia sẻ.
Để làm được điều này, với mỗi tiết học, cô Hà sẽ thường tập trung nhiều vào phương pháp, nhẹ nhàng, gần gũi, dễ hiểu. Nhiều năm giảng dạy, cô Hà chia sẻ, học sinh rất thích nghe kể chuyện nên trong những bài giảng của mình, cô thường sẽ đan xen những mẩu chuyện nhỏ. Đó có thể là một mẩu chuyện về lịch sử, câu chuyện dân gian, câu chuyện cuộc sống ngoài đời từ đó sẽ khiến các em cảm thấy rất hứng thú, thoải mái.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà cùng tập thể cán bộ, giáo viên công tác tại Trường THCS Trưng Vương. |
Cũng chính với cách truyền thụ kiến thức sáng tạo này mà cô Hà là giáo viên THCS duy nhất đã tham gia thi Giáo viên dạy giỏi Thành phố Hà Nội ở 3 môn thi Ngữ văn, Lịch sử và Giáo dục công dân và cả 3 cuộc thi ấy, cô đều giành giải Nhất Thành phố.
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, cô Hà còn dành thời gian để tư vấn tâm lý cho các em học sinh. Theo cô, trong những cuộc trò chuyện, người giáo viên cần hết sức bình tĩnh, không trách móc, không đổ lỗi, lắng nghe học sinh nói. Việc có người lắng nghe sẽ giúp trẻ giải tỏa cảm xúc và dần bình tĩnh hơn. Sau khi nghe tâm tư của trẻ, giáo viên sẽ trò chuyện, gợi mở để các em tự đánh giá xem cách hành xử, suy nghĩ của bản thân đã đúng chưa chứ không áp đặt, không vội kết tội trẻ.
“Đến bây giờ, nhiều học sinh ra trường đi làm đã lâu nhưng khi có những khúc mắc, bế tắc, khủng hoảng về cuộc sống vẫn điện thoại cho mình để chia sẻ. Đó cũng là niềm hạnh phúc của người thầy, trở thành điểm tựa về tinh thần đồng hành cùng học sinh trong những năm tháng sau này kể cả khi các em đã ra trường”.
Trường THCS Trưng Vương năm nay đã bước sang tuổi thứ 105. Năm tháng qua đi, Trưng Vương vẫn giữ cho mình vẻ cổ kính, trầm mặc giữa thủ đô náo nhiệt. Trong ngôi trường ấy, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hà cùng những người đồng nghiệp khác vẫn đang miệt mài “gieo mầm xanh” cho Đất nước.
Trường THCS Trưng Vương tiền thân là Trường nữ học Đồng Khánh – ngôi trường nữ sinh duy nhất của toàn xứ Bắc Kỳ lúc ấy. Trường được khởi công xây dựng từ năm 1897 đến năm 1917 và được dành riêng cho những học sinh nữ đến học tập.
Sau ngày 2/9/1945, trường được đổi tên thành Trường nữ học Trưng Vương và vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm lần đầu tiên vào năm 1946.
Trong những ngày mùa đông tháng 12/1946, trụ sở Bộ quốc phòng đặt tại nhà trường. Tại đây đã diễn ra những cuộc chiến đấu và hi sinh anh dũng của các chiến sĩ Tiểu đoàn 77 Trung đoàn Thăng Long (một trong hai Trung đoàn của Hà Nội) để bảo vệ trụ sở Bộ Quốc Phòng. Chính bởi sự kiện này, năm học 2004 – 2005, trường đã được công nhận là một Di tích lịch sử cách mạng giữa lòng thủ đô.
Bước sang Thế kỷ XXI, trong xu thế hội nhập và phát triển, Trường THCS Trưng Vương là một trong những trường đầu tiên của TP. Hà Nội tiến hành hợp tác quốc tế về giáo dục và đạt được nhiều thành tựu.
Với những thành tích rực rỡ trong công tác dạy và học, nhà trường đã vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kì đổi mới năm 2005. Đặc biệt, trong lễ kỉ niệm 90 năm thành lập Trường Đồng Khánh - Trưng Vương (1917 - 2007), thầy trò nhà trường đã được Đảng và Nhà nước trao tặng tấm huân chương Độc lập hạng Nhì cao quý. Trong Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập (11/11/2017), Trường THCS Trưng Vương đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.