Bao năm qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, trường học, lực lượng công an xã Hố Mít đã vào cuộc quyết liệt tuyên truyền, vận động, thuyết phục, thậm chí có cả chế tài xử phạt. Cộng đồng dân cư cũng đưa vào quy ước, hương ước của các bản để thực hiện. Thế nhưng, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn diễn ra.
Ông Bùi Tiến Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Hố Mít cho rằng, xã có tỷ lệ đồng bào người Mông cao, chiếm tới 97%. Việc tảo hôn giống như “đến mùa thì lúa trổ đòng đơm bông”, “cây ngô trưởng thành thì ra bắp” vậy.
Thế nên, có những em học sinh còn đeo khăn quàng trên vai, chưa phải là đoàn viên đã bị giục lấy chồng. Có những người phụ nữ mới cận kề tuổi 40 đã lên chức “bà”.
Công an huyện Tân Uyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại Trường THCS xã Hố Mít. |
Theo thông tin từ chính quyền địa phương, những năm trước, trên địa bàn xã có 2 cặp vừa tảo hôn, vừa cận huyết. Một cặp là con của chị lấy con của em gái ở bản Thào. Cặp con lại là con của anh trai lấy con của em gái ở bản Tà Hử. Những cặp này từng sinh con. Một trường hợp đứa trẻ sinh ra sau thời gian ngắn thì mất. Trường hợp còn lại, đứa trẻ sức khỏe yếu và bị suy dinh dưỡng.
Đến nay, tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết của xã đã giảm so với nhiều năm trước. Thế nhưng năm 2023, trong 24 cặp vợ chồng lấy nhau vẫn có tới 12 cặp tảo hôn. Từ đầu năm 2024 đến nay, có 1/4 cặp vợ chồng lấy nhau là tảo hôn. Tỷ lệ trẻ sinh ra thấp còi trên địa bàn xã chiếm 23%, tỷ lệ trẻ không đảm bảo cân nặng chiếm 22%...
Ông Sỹ cho biết, do biết chính quyền sẽ can thiệp, ngăn cản nên các gia đình tìm cách né tránh. Thay vì bắt vợ, kéo vợ như trước thì nay họ lẳng lặng để các con về ở với nhau, không thông báo cho những người xung quanh.
Sau khi làm hết các thủ tục theo phong tục địa phương thì mới mời họ hàng đến nhà gái. Hoặc khi tổ công tác phát hiện thì bố mẹ cho biết các cháu chỉ đến chơi nhà, nhưng theo dõi một thời gian thì các bé gái đã có thai nên việc can thiệp xử lý hết sức khó khăn.
Để những bé gái như em V. tiếp tục được đi học, tỉnh Lai Châu đã huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị. Theo đó, năm 2023, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu giai đoạn 2024 - 2030.
“Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh để chủ động giải pháp ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết” - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên chia sẻ.