Nữ trung hào kiệt và 10 kế sách yên dân trị nước

Trần Hoà | 08/03/2022, 15:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

"Kê minh thập sách” do Quý phi Bích Châu soạn không được vua Trần Duệ Tông sử dụng. Dù vậy, cái chết của bà trong chiến trận đã xứng đáng với danh hiệu “Nữ trung hào kiệt”.

Đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh).Đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Theo các tư liệu, nhân vật lịch sử Nguyễn Thị Bích Châu, quê huyện Hải Hậu (Nam Định) ngày nay. Bà là con gái của một viên quan đại thần triều Trần. Năm 1373, bà được vua Trần Duệ Tông tuyển làm Tả cung Quý phi, lấy hiệu là Phù Dung. 

“Kê minh thập sách” dâng vua


Bia đá khắc 10 kế sách khuyên vua.

Các tư liệu ghi chép về Quý phi Bích Châu nhận định, bà là người phụ nữ không chỉ có nhan sắc mà rất thông minh, mưu lược. Lúc bấy giờ, chế độ phong kiến nhà Trần suy vong, nhân tài không được trọng dụng, Quý phi Bích Châu thảo bản điều trần gọi là “Kê minh thập sách” dâng lên vua:

Điều một: Bền gốc nước, trừ kẻ bạo thì dân chúng được yên.

Điều hai: Giữ nếp xưa, phiền nhiễu nên bỏ thì triều cương không rối.

Điều ba: Ngăn kẻ lạm quyền để trừ mọt nước.

Điều bốn: Loại bọn quan tham nhũng để bớt vơ vét của dân.

Điều năm: Mở lối nho phong để ngọn lửa đóm được soi cùng Mặt trời Mặt trăng.

Điều sáu: Tìm những lời trực gián để đường ngôn luận được rộng mở như cửa thành.

Điều bảy: Rèn luyện binh sĩ cần lất hạng có dũng lực hơn là hạng vóc vạc lớn.

Điều tám: Chọn tướng trước nên lựa người thao lược sau mới đến là bậc thế gia.

Điều chín: Khí giới cốt tinh nhuệ hơn là lòe loẹt.

Điều mười: Tập trận pháp cần chỉnh tề không cần múa nhảy.

“Kê minh thập sách” đã đưa ra được những điểm trọng yếu nhất về đường lối chính trị, văn hóa, quân sự để có thể giúp vua trị vì đất nước. “Kê minh thập sách” không chỉ phù hợp với thời đại của nhà Trần lúc bấy giờ mà còn có giá trị to lớn đối với các thế hệ sau.

Xem xong bản điều trần của Bích Châu, vua Trần Duệ Tông cảm kích vỗ trán thốt lên: “Không ngờ ái phi lại thông tuệ đến thế? May cho trong cung của trẫm xuất hiện một bậc Từ phi”. Tuy nhiên sau đó, bản điều trần lại không được vua quan tâm sử dụng trong việc trị nước.

Nữ trung hào kiệt


Lễ giỗ bà Bích Châu vào ngày 12 tháng 2 âm lịch.

Đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu được xây dựng vào thế kỷ 13, tọa lạc trên một cồn cát cao và khá rộng tại thôn Tam Hải 2, xã Kỳ Ninh (Kỳ Anh - Hà Tĩnh). Năm 1991, đền thờ được Bộ Văn hóa - Thông tin quyết định công nhận là Di tích lịch sử và Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.

Năm 1377, vua Trần đem quân đi đánh Chiêm Thành, bà Bích Châu buồn lo than thở: “…Nghĩa lớn là vua tôi, ái tình là vợ chồng. Vậy mà không giỏi khuyên can để giữ nền bình trị, không biết khéo lời để ngăn lòng hiếu chiến, như thế ta đã là người vô dụng chăng?”. Khuyên ngăn vua không được, bà bèn xin đi theo để hộ giá.

Khi quan quân nhà Trần đến cửa Thị Nại (Quy Nhơn), vua Chiêm là Chế Bồng Nga cho sứ giả đem vàng ngọc tới dâng lên để lập mưu trá hàng, nhưng sau đó lại bất ngờ tiến đánh vào lúc nửa đêm.

Trong trận chiến này, bà Bích Châu bị trúng tên độc và từ trần vào đêm 11 rạng ngày 12 tháng 2 năm 1377. Ba ngày sau, vua Trần Duệ Tông vì thua trận, một phần cũng vì thương nhớ Quý phi nên đã lâm bệnh và băng hà.

Lúc bấy giờ, vua Trần Phế Đế lên ngôi và lệnh đưa linh cữu của Quý phi Bích Châu về triều để mai táng. Tuy nhiên, lúc đến cửa biển Kỳ Hoa gặp phải mưa to gió lớn không thể đi tiếp. Vua Phế Đế liền xuống chiếu cho an táng thi hài bà tại đây và lập miếu để nhân dân thờ phụng, hương khói.

Gần trăm năm sau, niên hiệu Hồng Đức thứ nhất (1470) vua Lê Thánh Tông trên đường đi dẹp giặc Chiêm Thành, đến cửa biển Kỳ Hoa phát hiện ngôi miếu, vua liền dò hỏi dân chúng địa phương, vào dâng hương và viết bốn chữ “Nữ trung hào kiệt” lên bài vị và nói: “Tiền triều người là bậc cứu quốc anh hùng vì nước, vì vua mà bị vong thân, nay ta cũng vì nước bảo toàn bờ cõi mà đi dẹp giặc, có linh thiêng thì giúp trẫm kì khai đắc thắng, mã đáo thành công, khi bản sứ về triều trẫm sẽ khởi công lập miếu phong tặng”.

Ngay đêm đó được mộng lành, vua Lê Thánh Tông liền cho xuất quân lên đường dẹp giặc, khi thắng trận trở về vua đã cho quân cùng dân chúng địa phương xây dựng lại lăng mộ với ba tòa điện lớn và quy mô hơn như bây giờ để ghi nhớ công ơn của liệt nữ Nguyễn Thị Bích Châu. Vua Lê cũng ban chiếu sắc phong cho đền là “Chế thắng Phu nhân”. 

Hiến mình cho thần biển


Lễ hội tưởng nhớ bà Bích Châu gắn liền với huyền tích “hiến mình cho thần biển”. 

Tuy nhiên, về cái chết của Bích Châu lại có thuyết cho rằng bà tự nguyện hi sinh thân mình làm vật tế thần biển để cứu vua và đoàn quân. Một trong số truyện truyền kỳ kể về việc này, có “Truyền kỳ tân phả” của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.

Cái chết của bà Bích Châu được miêu tả rất hoành tráng: Quân Trần buổi xuất binh cờ xí rợp trời, chiêng trống dậy đất. Nhưng khi đoàn thuyền chiến vừa đến cửa bể Kỳ Hoa (nay là Kỳ Anh, Hà Tĩnh) trời bỗng nổi cơn phong ba bão táp. Đoàn thuyền đành tạm neo ngay lại đấy.

Binh thuyền phải vất vả thương tổn khá nhiều mới ràng nổi dây neo. Nhưng cơn dông bão càng lúc càng dữ dội hơn. Đoàn thuyền chiến nhấp nhô đập chúi vào nhau rầm rầm. Nhiều cái bị đứt dây, lao đi vùn vụt đâm vào đá vỡ toang. Quân lính lớp chết, lớp kêu la chới với. Số còn sống ai nấy đều kinh hãi nản lòng. Nhà vua nhất quyết đợi tan cơn bão sẽ tiến binh tiếp.

Đêm ấy, vua Duệ Tông mộng thấy một vị thần xưng là “Nam Minh Đô đốc”, thủ hạ của Quảng Lợi đại vương, muốn xin vua ban cho một người thiếp, nếu được như ý nguyện, mới làm cho bể yên, sóng lặng để thuyền vua đi qua. Vua sợ hãi, vội cho đòi các quan tướng và phi tần đến chỗ ngự tẩm, kể lại giấc mơ.

Trong khi các quan tướng chưa biết ứng đối thế nào, thì Bích Châu từ sau trướng bước ra, nói: “Việc linh ứng của thần nhân như vậy là rõ ràng, chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Tiện thiếp tình nguyện liều tấm thân bèo bọt này để chu toàn cho đoàn ngự giá và quan quân”.

Trần Duệ Tông bàng hoàng chưa kịp phán bảo cản ngăn thì bà Bích Châu đã nhanh nhẹn quay ra thuyền lệnh: “Các quan mau mau sửa soạn lễ vật cúng thần biển, kính báo thời khắc thiếp tôi được nhà vua cử làm sứ giả đi gặp thần biển xin sóng lặng bể yên…”.

Bà vừa dứt tiếng thì từ nhà vua đến các quan có mặt quanh đó đều sửng sốt, nghẹn lời… Mặc hết những lời can ngăn, bà Bích Châu vẫn một mực tha thiết tâu xin được vinh hạnh phò vua, giúp quân, đền nợ nước.

Chiếc thuyền rồng chao đảo ngả nghiêng. Bà Bích Châu thanh thản để thị nữ xông trầm, trang điểm cho mình. Thoáng chốc, bà đã trâm thoa, xiêm gấm, hài thêu lộng lẫy bước ra. Trước mắt mọi người lúc này, vẻ đẹp của bà Bích Châu đang tỏa ánh hào quang. Phải, chính đó là một vị ái phi mới 20 tuổi của nhà vua, giai nhân tuyệt sắc ấy đang đứng ở vị thế là một nữ dũng tướng của quan quân triều Trần Duệ Tông.

Vua Duệ Tông xót trút bỏ giáp trụ, thương cảm trong lớp hoàng bào. Ngài trịnh trọng đội mũ Triều thiên để kính cẩn đưa tiễn bà ái phi dũng cảm ra đi. Ngài truy tặng cho bà làm Thần phi.

Mặc cho sóng đánh tối tấp, bà Bích Châu vẫn tươi tắn đến sụp quỳ lạy nhà vua, cầu chúc nhà vua bình tĩnh và đại thắng, rồi quay về hướng Bắc lạy cha mẹ, vái chào từ biệt hàng quan quân, trang nghiêm đến ngồi gọn vào trong lòng chiếc thuyền thoi nhỏ nhắn có cắm đại hoàng kỳ.

Chiếc thuyền được quan quân thòng dây thả từ từ xuống biển, giữa những cơn sóng thần liên tiếp quật nước lên cao. Bà Bích Châu bình tĩnh nắm dây nhắm mắt. Vừa đụng nước, chiếc thuyền lập tức quay vòng ngụp lặn với sóng cả rồi chìm lỉm mất hút. Đem theo một trái tim rực rỡ ánh châu ngọc lưu ly nhập cõi thuỷ tận.

Hai ngày sau bão mới ngớt, xác phu nhân Bích Châu nổi trên mặt biển, vẫn uy nghi trong bộ triều phục, nhấp nhô theo làn sóng bạc trôi dần vào bờ, được dân làng vớt lên rước đi an táng tại làng Kỳ Hoa.

Cũng là lúc mà đoàn thuyền chiến của vua Trần Duệ Tông đã lướt tiến khá xa, chở đầy những bầu máu nóng lao vào trận tiền với quyết tâm diệt giặc giữ yên bờ cõi, đền bù tâm nguyện của phu nhân Bích Châu trước giờ tử biệt.

Truyền thuyết còn kể rằng, năm Hồng Đức (1471), Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, qua chỗ bà Bích Châu đã trầm mình. Bà hiện lên báo mộng cho vua Lê và xin làm lễ giải thoát. Biết chuyện bà Bích Châu, hôm sau nhà vua liền viết một tờ hịch hạch tội “Nam Minh đô đốc”, sai thả xuống biển. Lập tức vị này bị chém chết, xác nổi lên mặt nước.

Sau khi thắng trận trở về, vua hạ chiếu lập đền, cấp ruộng tế và người trông coi, sắc phong cho bà là Chế Thắng, nên đền được gọi là Chế Thắng phu nhân. Hàng năm, vào ngày 12 tháng 2 âm lịch là ngày giỗ.

Bài liên quan
Hà Kiều Anh xin lỗi vì nhận là công chúa đời thứ 7 triều Nguyễn
Hoa hậu Việt Nam 1992 cho rằng do cách sử dụng từ ngữ chưa chính xác, đã khiến khán giả hiểu nhầm.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nữ trung hào kiệt và 10 kế sách yên dân trị nước