Washington coi Mông Cổ là một ứng cử viên cho Đối tác An ninh Khoáng sản - một sáng kiến bao gồm 14 quốc gia, chủ yếu là phương Tây - nhằm tăng cường đầu tư bền vững vào khai thác, chế biến và tái chế các khoáng sản quan trọng.
Dự án khai thác mỏ Oyu Tolgoi ở phía nam sa mạc Gobi (Mông Cổ). Ảnh: Twitter
Nhưng theo tờ Politico, căng thẳng giữa Mỹ-Nga cũng như Mỹ-Trung Quốc cho thấy Mông Cổ cần phải “bước đi cẩn thận trong vòng tay” của Washington.
Bắc Kinh mua hơn 90% hàng hóa xuất khẩu của Mông Cổ và nước này phụ thuộc vào cảng Thiên Tân của Trung Quốc để vận chuyển phần lớn hàng hóa mà họ bán cho phần còn lại của thế giới. Mông Cổ hy vọng rằng công nghệ có thể làm giảm sự phụ thuộc đó.
Thủ tướng Oyun-Erdene cho biết: “Hàng hóa có thể được vận chuyển bằng máy bay không người lái” trong tương lai.
Thủ tướng Mông Cổ nói ông đang cố gắng cân bằng giữa nhu cầu của nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của quốc gia này với những căng thẳng toàn cầu liên quan đến cái mà ông gọi là “các nước láng giềng vĩnh cửu” của họ.
Ông Oyun-Erdene cho hay: “Có lo ngại rằng xung đột giữa hai quốc gia hoặc một số quốc gia có thể dẫn đến việc nền kinh tế quốc tế suy giảm cả thập kỷ và chúng tôi muốn ngăn chặn điều đó.”
Tuy nhiên, theo Politico, hiện tại, Thủ tướng Oyun-Erdene đang tập trung vào việc mở rộng quan hệ thương mại của Mông Cổ để đưa nền kinh tế của nước này trở nên toàn cầu hơn.
Thỏa thuận bầu trời mở sẽ cho phép các chuyến bay trực tiếp giữa Ulaanbaatar và các thành phố của Mỹ bao gồm San Francisco và Washington. Điều đó sẽ giúp loại bỏ một trở ngại lớn đối với lợi ích kinh doanh của Mỹ tại Mông Cổ: nhiều chuyến bay nối chuyến với thời gian quá cảnh dài khiến việc di chuyển bằng đường hàng không vào và ra khỏi một đất nước không giáp biển như Mông Cổ trở thành một thử thách.
Thủ tướng Oyun-Erdene cho biết: “Các chuyến bay thẳng là điều cần thiết cho nền dân chủ và thịnh vượng của Mông Cổ cũng như mở rộng nền kinh tế của chúng tôi.”