GDTĐ – Ba quốc gia châu Âu gồm Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha đồng loạt lên tiếng việc sẽ chính thức công nhận nhà nước Palestine.
“Nội các Tây Ban Nha ngày 28/5 sẽ thông qua việc công nhận nhà nước Palestine”, AFP dẫn lời Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez hôm 22/5: “Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang đẩy giải pháp hai nhà nước vào tình thế nguy hiểm bằng chính sách gây đau thương và hủy diệt ở Dải Gaza".
Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store cũng thông báo họ sẽ công nhận nhà nước Palestine vào thời điểm tương tự Tây Ban Nha.
"Việc công nhận nhà nước Palestine là biện pháp ủng hộ các lực lượng ôn hòa đang mất dần vị thế trong cuộc xung đột kéo dài và tàn bạo này”, Thủ tướng Na Uy nói nhấn mạnh: “Giữa cuộc chiến đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và bị thương, chúng ta phải duy trì con đường duy nhất mang đến giải pháp chính trị cho cả người Israel và Palestine, đó là hai quốc gia tồn tại cạnh nhau trong hòa bình và an ninh",
Chính phủ Ireland cũng sẽ họp báo trong ngày 22-5 để thông báo quyết định chính thức công nhận nhà nước Palestine vào ngày 28/5.
"Tôi phải nói rõ rằng Hamas không phải người dân Palestine. Quyết định công nhận nhà nước Palestine được đưa ra nhằm giúp tạo dựng tương lai hòa bình. Giải pháp hai nhà nước là cách duy nhất thoát khỏi vòng xoáy bạo lực, báo thù và oán hận kéo dài nhiều thế hệ", Thủ tướng Ireland Simon Harris nói.
Phản ứng trước các quyết định của Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), mô tả: "Đó là khoảnh khắc lịch sử khi thế giới tự do giành chiến thắng vì sự thật và công lý". PLO được quốc tế coi là đại diện hợp pháp duy nhất của người dân Palestine.
Lãnh đạo chính trị của Hamas ở Dải Gaza Basem Naim cũng ca ngợi quyết định của ba nước châu Âu là "bước ngoặt trong lập trường quốc tế về vấn đề Palestine".
Hamas cũng kêu gọi các nước khác "công nhận quyền quốc gia hợp pháp" của người Palestine.
Trái lại, động thái của 3 nước châu Âu khiến Israel phản ứng giận dữ, lập tức thông báo triệu hồi đại sứ tại Ireland, Na Uy để "tham vấn khẩn cấp" và sẽ có động thái tương tự với đại sứ tại Tây Ban Nha.
Tel Aviv cho rằng việc công nhận nhà nước Palesitne giống như "trao thưởng" cho Hamas sau khi nhóm này đột kích miền nam Israel ngày 7/10/2023.
Động thái của ba nước châu Âu là "bất công với các nạn nhân vụ đột kích ngày 7/10", Bộ trưởng Ngoại giao Israel Israel Katz lên tiếng.
Trước đó, 8 trong số 27 thành viên Liên minh châu Âu đã công nhận nhà nước Palestine, gồm Ba Lan, Bulgaria, Romania, Hungazy, Czech, Slovakia, Thụy Điển và Cyprus.
Hầu hết các chính phủ phương Tây, trong đó có Mỹ, tuyên bố sẵn sàng công nhận nhà nước Palestine, song phải vào thời điểm sau khi đạt được thỏa thuận về các vấn đề nan giải như biên giới cuối cùng và tình trạng của Jerusalem.