PGS.TS Trần Thành Nam: Khiến trẻ sợ bị phán xét là phản cảm

VH | 01/10/2021, 18:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Theo chuyên gia tâm lý này, việc phán xét trẻ con là không cần thiết. Khi chưa thành niên, nếu mắc lỗi, trách nhiệm không thể quy cho trẻ. Thay vào đó, lỗi thuộc về vấn đề giáo dục.

Trách nhiệm không quy về trẻ

Có ý kiến cho rằng, người làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, trẻ không phải chịu hình phạt của pháp luật. Và vì thế, cần để trẻ hiểu, con phải chịu phạt khi sai. Trước nhận định này, không ít người cho rằng, gia đình nên đóng vai trò là “quan toà” đối với trẻ.

pgs-ts-tran-thanh-nam.jpg
PGS.TS Trần Thành Nam.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, đối với những người chưa thành niên, pháp luật luôn có sự khoan hồng. Nhiều trường hợp không phải chịu hình phạt của pháp luật.

Bởi, khi chưa thành niên, nếu mắc lỗi, trách nhiệm không thể quy về cho đứa trẻ. Thay vào đó, lỗi thuộc về vấn đề giáo dục. Trong đó, có trách nhiệm của giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội.

Do đó, PGS Trần Thành Nam nhấn mạnh, gia đình không nên có trách nhiệm trở thành quan tòa đối với trẻ.

Hành vi "tàu hoả" và "máy bay"

"Qua thời gian, cha mẹ và người lớn cần phải giúp trẻ hiểu, đâu là những hành vi được mong chờ. Đâu là hành vi không được mong chờ, thông qua thái độ và sự chú ý đến hành vi tích cực, không chú ý đến hành vi tiêu cực. Sau đó, cha mẹ và người lớn cần hướng dẫn để trẻ học được hệ quả của hành vi được mong chờ và hành vi không được mong đợi. Các em dần hiểu rằng, mỗi hành vi đều dẫn đến những hệ quả tương ứng. Nếu chọn hành vi tiêu cực, mình sẽ nhận hệ quả tiêu cực", PGS Nam chia sẻ.

Ngoài ra, trẻ phải hiểu được những hành động của mình sẽ đưa các em đến gần hơn hay đi xa khỏi những gì các em thực sự mong muốn. Cha mẹ cũng cần hướng dẫn con nhận ra những khoảnh khắc con mất kiểm soát hành vi và những lúc trẻ kiểm soát hành vi. Nhận ra những khoảnh khắc mất kiểm soát để rèn luyện kỹ năng làm chủ trong các tình huống hằng ngày.

phan-xet-con1.png

Để làm được việc này, chuyên gia cho biết, người lớn sẽ giới thiệu cho trẻ 2 hình ảnh “ tàu hỏa” và “máy bay”. Hành vi “tàu hỏa” là những hành vi bị kích hoạt trong cảm xúc tiêu cực, mang tính xung động, không kiểm soát được như đoàn tàu chạy trên đường ray, không thể dừng lại và không thể lái sang đường khác.

phan-xet-con2.png

Trong khi đó, “máy bay” là hành vi chúng ta phải cân nhắc, suy nghĩ cẩn thận về hệ quả. Trẻ có thể lái được hành vi của mình như phi công lái máy bay vậy. Trong cuộc sống hằng ngày, trẻ học gọi tên các hành vi tàu hỏa để dừng lại, suy nghĩ cân nhắc lại trước khi đi tiếp.

Tiếp theo, việc dừng lại, suy nghĩ và cân nhắc trước khi đi tiếp phải được khái quát thành một kỹ năng để trẻ làm chủ bất cứ khi nào con gặp vấn đề.

"Sau đó, trẻ được hướng dẫn là con người nhân vô thập toàn. Nên khi mắc lỗi, chúng ta cần chịu trách nhiệm cho bản thân chúng ta cũng như những lựa chọn hành vi mà chúng ta đã quyết định trước đó. Chịu trách nhiệm ở đây là thừa nhận lỗi, xin lỗi và cố gắng làm những điều đúng khi chúng ta có một lựa chọn không phù hợp với kỳ vọng", PGS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Không cần thiết phán xét trẻ

Theo chuyên gia này, để hình thành nên tính cách của trẻ, cha mẹ và người lớn cần thường xuyên khen thưởng khi con đưa ra những lựa chọn tốt. Dần dần, trẻ sẽ học được cách lựa chọn những hành vi tốt ngay cả khi không có người lớn ở bên cạnh. Bởi, trẻ cảm thấy tốt và tự hào khi đưa ra những lựa chọn này.

"Vì vậy, việc phán xét là không cần thiết. Làm cho trẻ sợ phán xét là phản cảm. Cần lưu ý rằng, điểm khác biệt cơ bản giữa kỷ luật tích cực và kỷ luật truyền thống là: Kỷ luật truyền thống dựa trên sự đau đớn, việc xấu hổ và sợ hãi của trẻ để giáo dục (thế nên người lớn dùng roi vọt, so sánh con mình với con nhà người ta). Kỷ luật tích cực là việc tạo điều kiện cho trẻ tự giác đi vào khuôn phép trong một bầu không khí tích cực. Trẻ tự có ý thức và có trách nhiệm thực hiện theo những quy định chung vì các em luôn ý thức rõ được hệ của của hành vi và rằng, các em có quyền lựa chọn hành vi. Cha mẹ sẽ chỉ là người chứng kiến và ghi nhận những lựa chọn tích cực, không phải là người phán xét", PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

DỪNG LẠI

(1) Dừng lại và bình tĩnh

SUY NGHĨ

(2) Điều tôi thực sự muốn là gì?

(3) Tôi có thể làm gì để có được thứ mình muốn? Những lựa chọn của tôi là gì?

(4) Những lựa chọn này của tôi phải trả giá như thế nào?

HÀNH ĐỘNG

(5) Lựa chọn tốt nhất là gì?

(6) Tôi đã làm như thế nào?

PGS.TS Trần Thành Nam

Bài liên quan
PGS.TS Trần Thành Nam: Cần thay đổi quan điểm từ “nhiều giờ học” sang “giờ học chất lượng"
(GDTD) - Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội), với trẻ học lớp 1, việc giảng dạy sẽ cần cẩn trọng và kỹ lưỡng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PGS.TS Trần Thành Nam: Khiến trẻ sợ bị phán xét là phản cảm