Phan Huy Ích - hai lần đỗ đầu bảng vàng, làm quan trải ba triều đại

Trần Hoà | 02/08/2022, 11:36
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đứng đầu kỳ thi Hương trường Nghệ khi tròn 20 tuổi, bốn năm sau - Phan Huy Ích đỗ Hội nguyên tiến sĩ. Ông làm quan trải ba triều đại: Lê Trung hưng, Tây Sơn và triều nhà Nguyễn.

Trong số các danh nhân dòng họ Phan Huy (Sài Sơn), Dụ Am Phan Huy Ích có vị trí nổi bật. Ông thuộc đời thứ 8 của dòng họ, là con cả của Phan Huy Cận, và là thân phụ của danh nhân Phan Huy Chú.

Dòng dõi thi thư

phan-huy-ich-1.jpg
Tranh chân dung Phan Huy Ích năm 1790.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Phan Huy Ích hiệu là Dụ Am. Tên thật của ông là Phan Công Huệ, sinh năm Canh Ngọ (1751), tại làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Do kiêng húy của Tuyên phi Đặng Thị Huệ nên về sau ông đổi tên là Phan Huy Ích.

Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Phan Huy Ích là con trai cả của Tiến sĩ Phan Huy Cận (còn đọc là Phan Huy Cẩn) - một danh thần, nhà sử học thời Lê Trung hưng chuyển cư ra vùng đất Sài Sơn.

Dòng họ Phan Huy Sài Sơn vốn có nguồn gốc từ dòng họ Phan Huy nổi tiếng khoa bảng xứ Nghệ. Đến đời thứ 7, cụ Phan Huy Cận chuyển cư đến xã Thụy Khuê, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai (nay là xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội).

Từ nhỏ cho đến năm 20 tuổi, Phan Huy Ích sống và học tại quê cha đất tổ làng Thu Hoạch. Năm 1771, ông đỗ Hương nguyên trường Nghệ An. Sau khi đỗ, ông được trao một chức quan nhỏ tại trấn Sơn Nam. Ông trở thành học trò rồi thành con rể của danh nho Ngô Thì Sĩ.

Năm 1775, Phan Huy Ích đỗ Hội nguyên tiến sĩ. Khoa này, triều đình lấy đỗ 18 tiến sĩ, không lấy ai đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa và Hoàng giáp. Anh vợ của Phan Huy Ích là Ngô Thì Nhậm cũng cùng đỗ tiến sĩ trong khoa thi này.

Năm 1776, ông tiếp tục thi đỗ kỳ thi Ứng chế và được triều đình bổ làm Hàn lâm Viện Thừa chỉ, rồi làm Đốc đồng tỉnh Thanh Hóa. Năm 1777, ông được lệnh mang ấn kiếm, sắc phong tước Cung quận công của vua Lê ban cho Nguyễn Nhạc. Tuy nhiên khi đến Phú Xuân, tướng Phạm Ngô Cầu cản giữ ông lại rồi sai Nguyễn Hữu Chỉnh đi vào Quảng Nam phong cho Nguyễn Nhạc.

phan-huy-ich-2.jpg

Nhà thờ dòng họ Phan Huy tại thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn (Quốc Oai - Hà Nội).

Năm 1780, con trưởng của chúa Trịnh Sâm là Trịnh Tông (tức Trịnh Khải) đã âm mưu làm chính biến nhưng không thành. Trịnh Sâm đã tiến hành một cuộc đàn áp khốc liệt, nhiều đại thần bị bức tử. Bấy giờ, vì là con rể của Ngô Thì Sĩ và là em rể của Ngô Thì Nhậm nên Phan Huy Ích cũng bị công kích từ nhiều phe.

Ông bèn cáo bệnh xin từ quan nhưng không được chấp thuận. Vì thế, ông liền đóng bè ở dưới sông, xa lánh mọi đồng liêu và thuộc chức, mỗi tháng chỉ đến công đường một lần. Năm 1785, khi tình hình tương đối tạm ổn định, Phan Huy Ích mới trở lại với việc quan. Cuối năm đó, ông được trao chức Hiến sát Thanh Hoa.

Công thần Tây Sơn

Năm 1786, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã ồ ạt tiến ra Bắc. Chúa Trịnh Tông bị bắt và tự tử dọc đường áp giải. Vua Lê lúc bấy giờ hèn yếu và bạc nhược, không đủ khả năng và uy tín để điều khiển hoạt động của triều đình. Chính sự lại một phen rối ren.

phan-huy-ich-3.jpg
Bia tiến sĩ năm Cảnh Hưng thứ 36 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - tên Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích bị đục bỏ.

Khi Nguyễn Huệ rút đại quân về Nam, phe đảng họ Trịnh lại nổi lên. Sau những cuộc tranh giành khốc liệt, Trịnh Bồng nắm được ngôi chúa, đó chính là Yến Đô Vương. Trong thời gian ngắn ngủi này, Phan Huy Ích được trao chức Đô cấp sự trung, kiêm Thiêm sai ở Phủ chúa.

Cũng trong thời Yến Đô Vương, Phan Huy Ích còn được trao chức Đốc thị ở trấn Nghệ An kiêm Tán lý quân vụ ở trấn Thanh Hoa. Với chức vụ đó, ông được sai cầm quân đi đánh Nguyễn Hữu Chỉnh nhưng lại bị bắt sống. Nhờ có bạn cũ là Nguyễn Kim Khuê ra sức tìm cách cứu giúp, ông mới được tha.

Cuối năm 1787, quân Tây Sơn kéo ra Bắc Hà lần hai. Khi đó vua Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc cầu cứu viện binh nhà Thanh. Trước tình hình nhiều biến loạn, Phan Huy Ích bỏ lên Sài Sơn, chấm dứt 14 năm làm quan với chính quyền nhà Lê.

Giữa năm 1788, khi Nguyễn Huệ trực tiếp cầm quân ra hỏi tội viên tướng thuộc quyền của mình là Vũ Văn Nhậm. Cùng với một số nho sĩ khác như: Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thế Lịch, Nguyễn Bá Lan, Ninh Tốn, Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn… đã ra hợp tác với Tây Sơn. Ông được Nguyễn Huệ trao chức Tả Thị lang bộ Hộ, tước Thụy Nham hầu.

Sau khi nhận chức tước, Phan Huy Ích theo Nguyễn Huệ vào Phú Xuân. “Hoàng Lê nhất thống chí” và các tác phẩm của Phan Huy Ích cũng xác nhận điều này. Cuối năm 1788, Lê Chiêu Thống rước quân Mãn Thanh sang hòng dựng lại cơ đồ nhà Lê. Để trả thù những người theo Tây Sơn, Lê Chiêu Thống đã sai đục bỏ tên của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích trên bia Tiến sĩ.

Sau khi phá được quân Thanh, Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm được Quang Trung giao trọng trách thiết lập mối quan hệ bang giao với nhà Thanh. Cuối tháng 2 năm 1790, Phan Huy Ích cùng với Đại tư mã Ngô Văn Sở được cử trong phái đoàn do Phạm Công Trị đóng giả vua Quang Trung dẫn đầu sang Trung Quốc mừng vua Càn Long 80 tuổi.

Thăng trầm đời làm quan

Nhiều nguồn sử liệu cho biết, để đón tiếp đoàn sứ do Quang Trung giả dẫn đầu, vua Càn Long đã chi tới 800 nghìn lượng bạc. Kết quả, đoàn sứ bộ của vua Quang Trung giả được vua Càn Long tiếp đón nồng hậu, thậm chí còn biếu nhiều vật phẩm quý báu.

Tác phẩm “Tinh sà kỷ hành” của Phan Huy Ích viết trong thời điểm đi sứ đã miêu tả tường tận nghi lễ đón tiếp long trọng của triều đình nhà Thanh. Tất cả hành trình từ ải Nam Quan đến Yên Kinh, sứ đoàn nước ta cũng được một đội quân hộ tống.

phan-huy-ich-4.jpg
Hiệp hội kinh tế - văn hóa Hàn Việt trao tặng dòng họ Phan Huy bức thư pháp viết bài thơ của danh nhân Phan Huy Ích.

Đến địa phương nào, Tuần phủ các tỉnh phải ra nghênh đón, mở yến tiệc chiêu đãi. Đích thân Tuần phủ phải đi theo đoàn sứ để sắp xếp nhằm đảm bảo an toàn cho sứ bộ. Nghi thức đón tiếp này được thực hiện nghiêm túc trong suốt cuộc hành trình cả đi lẫn về.

Năm 1792, sau khi về nước, Phan Huy Ích được thăng chức Thị trung ngự sử ở tòa Nội các, rồi lại được phong làm Thượng thư bộ Lễ. Cũng trong năm này, vua Quang Trung mất đột ngột. Ông đã cố gắng phò tá vị vua trẻ là Quang Toản, hòa giải mâu thuẫn giữa các tướng nhưng không ngăn nổi đà suy vi của Tây Sơn.

Năm 1802, Nguyễn Ánh đem quân ra Bắc. Phan Huy Ích bị bắt cùng với Ngô Thì Nhậm và Nguyễn Gia Phan, sau đó bị đem ra đánh đòn tại Văn Miếu. Sau trận đòn, Ngô Thì Nhậm qua đời do bị đánh bằng gậy có tẩm thuốc độc.

Vào năm 1804, Gia Long muốn định lại tên nước, bèn cử Phan Huy Ích soạn một bài tuyên cáo. Nội dung được ông chép lại trong“Dụ Am thi văn tập”, có đoạn: “Xuống chiếu cho thần dân trong thiên hạ đều biết: Trẫm nghĩ, xưa nay các bậc đế vương dựng nước, ắt có đặt quốc hiệu để tỏ sự đổi mới, hoặc nhân tên đất lúc mới khởi lên, hoặc dùng chữ nghĩa tốt đẹp, xét trong sử sách chứng cớ đã rõ ràng…

Xem qua sổ sách, trẫm xét núi sông nên đặt tên tốt để truyền lâu dài… Ban đổi tên An Nam làm nước Việt Nam. Từ nay trở đi, cõi viêm bang bền vững, tên hiệu tốt đẹp gọi truyền, ở trong bờ cõi đều hưởng phước thanh ninh”.

Năm 1814, Phan Huy Ích trở về quê ở làng Thu Hoạch sống bằng nghề dạy học, sau đó lại ra Sài Sơn an dưỡng, nhưng vẫn cố vấn về bang giao với nhà Thanh cho triều vua Gia Long, thảo những văn kiện gửi nhà Thanh. Cũng trong khoảng thời gian này, ông đã hoàn chỉnh bản dịch tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn - mà người diễn Nôm đầu tiên là Đoàn Thị Điểm.

TS Nguyễn Hữu Mùi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết: “Sau Lê Quý Đôn, có lẽ Phan Huy Ích là người để lại nhiều trước tác văn họa. Về thơ, theo thống kê chưa đầy đủ có tới 600 bài. Về văn,ông cũng để lại nhiều tác phẩm đồ sộ với hàng trăm bài. Ngoài ra, ông còn để lại nhiều văn bia, bi ký. Ông mất ngày 13/3/1822 tại quê nhà”.

Làm quan trải ba triều đại, không tránh khỏi những lúc thăng trầm. Tuy nhiên, giới sử học luôn đánh giá ông là người có nhiều đóng góp cho đất nước hậu thế tôn kính và thờ phụng nghiêm cẩn tại nhà thờ dòng họ Phan Huy tại Sài Sơn. Tên của ông cũng được đặt cho các con phố ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng…

Bài liên quan
Người thầy có nhiều học trò đỗ đại khoa nhất Việt Nam
Thầy đồ Trần Ích Phát là một nhà sư phạm tài năng - giữ kỷ lục về số lượng học trò đỗ đại khoa nhiều nhất Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phan Huy Ích - hai lần đỗ đầu bảng vàng, làm quan trải ba triều đại