Hai vị đại khoa thà chết không làm nhục mệnh vua

Trần Hoà | 15/03/2022, 09:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thám hoa Giang Văn Minh và Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu là hai Chánh sứ được cử sang nhà Minh lễ cống. Cái chết của hai vị đại khoa nổi tiếng đã để lại tiếng thơm muôn đời.

Sát mái đắp 4 chữ lớn: Thiên cổ anh hùng (Anh hùng thiên cổ); Đỡ mái có 4 trụ hình vuông. 2 trụ trước, mặt ngoài đắp đôi câu đối bằng chữ Hán: Khôi khoa sự nghiệp tồn Khuê các/Tinh sứ huân danh trọng đẩu Nam (tạm dịch: Thanh danh khoa cử lưu Khuê Các/Công trạng sứ thần rạng nước Nam).

Cạnh trong đắp 2 câu: Thanh tĩnh đồng thùy Nam Bắc sử/ Tinh thần trường tại tử tôn thân (tạm dịch: Sử xanh Nam Bắc lưu danh tiếng/Sự nghiệp cháu con đọng tinh thần).

Theo bà con địa phương, hàng ngày có rất nhiều đoàn nhân sĩ trí thức, học sinh – sinh viên đến thắp hương tưởng niệm vị danh nhân tại Đền thờ và mộ Thám hoa tại làng Mông Phụ. 

Cái chết của vị Chánh sứ thứ hai


Sắc phong của vua Lê Thần Tông ghi nhận công lao đi sứ của Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu.

Sự kiện Chánh sứ Giang Văn Minh bị vua nhà Minh sát hại được nhiều người biết đến hơn cả, bởi những giai thoại truyền tụng. Ít ai biết rằng, vị Chánh sứ thứ hai cùng đoàn tuế cống đi trong năm 1637 cũng bị vua Minh giết hại.

Các tư liệu lịch sử ghi lại, ngày 30/12 năm Dương Hòa thứ ba (1637), Giang Văn Minh và Thiêm đô Ngự sử Nguyễn Duy Hiểu được vua Lê cử làm Chánh sứ cùng 4 phó sứ Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình và Thân Khuê dẫn đầu đoàn sứ bộ sang nhà Minh. Một đoàn do Nguyễn Duy Hiểu làm Chánh sứ, một đoàn do Giang Văn Minh làm Chánh sứ.

Nguyễn Duy Hiểu người xã Yên Lãng, nay là thôn Hợp Lễ, xã Thanh Lãng (Bình Xuyên – Vĩnh Phúc). Ông là con trai trưởng của danh nhân – Thái tể giữ việc 6 Bộ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì .

Năm 27 tuổi, Nguyễn Duy Hiểu đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn (1628) – cùng khoa với Thám hoa Giang Văn Minh. Sau đó, ông giữ các chức quan Hàn lâm viện Hiệu lí, Đô cấp tự trung Lại khoa.

Vì  sao hai đoàn sứ bộ lại đi cùng một năm? Đó là theo tiền lệ từ đầu thời Lê trung hưng, việc tuế cống nhà Minh vốn giữ lệ 3 năm một lần, nhưng để giảm đi lại, sau quy định 6 năm một lần, nhưng phải tính là hai lễ (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Bang giao chí). Từ năm Hoằng Định thứ 14 (1613) đến năm Đức Long thứ 2 (1630) đã có bốn cặp đôi sứ thần.

Việc vua Minh sát hại sứ thần Giang Văn Minh xảy ra vào ngày 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1639). Sử liệu ít ghi chép về cái chết của Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu nên hậu thế ít biết về điều này.

Tuy nhiên, các tài liệu cũng khẳng định linh cữu Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu (mất năm 37 tuổi) do chính cha ông - Quận công Nguyễn Duy Thì được lệnh nhà vua dẫn một đoàn lên cửa quan đón thi hài cả hai Chánh sứ về.


Đền thờ danh nhân Nguyễn Duy Thì và Nguyễn Duy Hiểu tại Vĩnh Phúc.

Hiện nay, tại Đền thờ danh nhân Nguyễn Duy Thì ở tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên - Vĩnh Phúc) còn lưu giữ bảy đạo sắc phong đời vua Lê Thần Tông. Đặc biệt có đạo sắc rất quý hiếm, do vua Lê ghi nhận công lao đi sứ của Hoàng giáp Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu, có đóng Quốc ấn “Hoàng đế chi bảo”.

Nếu như các sắc phong khác phần nhiều chỉ khen ngợi chung như trung cần, mẫn cán, phụ bật triều chính, thì sắc phong này ghi rõ: “…vâng mệnh đi sứ sang Bắc quốc nộp lễ cống, hoàn thành việc nước, có công… Sắc Nguyễn Duy Hiểu… đặc tiến Kim Tử Vinh Lộc đại phu, do vâng mệnh đi Bắc sứ tuế cống, bị bức hại nên đã chết thảm thương, có công lao vì nước mà yên nghỉ khi đang tại chức, nên gia tặng chức Thị lang Bộ Hình, tước Hầu…”.

Sử sách không ghi rõ Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu đã đối đáp gì với vua nhà Minh. Tuy nhiên, sắc phong chứng minh ông “bị bức hại, có công lao vì nước”. Có thể hiểu trong đoàn sứ bộ Đại Việt, cả hai vị Chánh sứ đã không làm nhục mệnh vua, nêu cao tiết tháo nên vua Minh đã bức hại cả hai.

Còn vua Minh - Sùng Trinh, kẻ đã sát hại sứ thần Đại Việt đã chẳng có kết cục tốt đẹp. 6 năm sau, Hoàng đế Sùng Trinh phải treo cổ tự vẫn trước sự truy sát của quân đội Lý Tự Thành.

Lý Tự Thành treo thưởng 1 vạn lạng bạc cho ai tìm được Sùng Trinh. Ngày 21 tháng 3 năm 1644, người ta phát hiện ra vua Sùng Trinh đã chết cứng tại Môi Sơn. Ngày hôm sau, quân Đại Thuận mang quan tài, dựng thi thể Sùng Trinh ra ngoài cửa Đông Hoa – nhà Minh chấm dứt.

Nhà Minh áp dụng chính sách ngoại giao hai mặt, trì hoãn việc phong vương cho nhà Hậu Lê, duy trì bang giao tuế cống của nhà Mạc. Mục đích này nhằm kéo dài cuộc phân tranh Lê - Mạc, khiến Đại Việt suy yếu và lệ thuộc.
Bài liên quan
Bảng nhãn Việt Nam (Kỳ 6): Hứa Tam Tỉnh trượt Trạng nguyên vì xấu!
Hứa Tam Tỉnh có bài thi tốt hơn, dự kiến lấy đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Giản Thanh đỗ Bảng nhãn. Thế nhưng vì dung mạo xấu mà mọi chuyện đảo lộn.

(1) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai vị đại khoa thà chết không làm nhục mệnh vua