Phát triển đảng viên trong trường phổ thông: Để ươm mầm 'hạt giống đỏ'

Minh Phong (Thực hiện) | 05/02/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Làm tốt công tác phát triển đảng trong cơ sở giáo dục và đào tạo là vấn đề cần được ưu tiên...

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có nêu: “Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng những đoàn viên ưu tú, trưởng thành trong lao động, học tập… để tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp”. Theo ông Phạm Văn Hải – Trưởng ban Tuyên giáo, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, một trong những giải pháp hữu hiệu để thực hiện mục tiêu trên là làm tốt công tác phát triển đảng trong cơ sở giáo dục và đào tạo.

Không đổi chất lượng lấy số lượng

- Ông đánh giá thế nào về công tác phát triển đảng trong các cơ sở giáo dục và đào tạo trong thời gian qua?

- Có thể khẳng định, công tác Đảng luôn được các cấp ủy Đảng, trong đó Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội đặc biệt quan tâm, chú trọng. Trung bình mỗi năm, Đảng bộ Khối kết nạp được 2.000 đảng viên mới là sinh viên. Riêng năm 2022, Đảng ủy Khối tổ chức 41 lớp nhận thức về Đảng với hơn 9.000 quần chúng; 16 lớp đảng viên mới với trên 2.000; Kết nạp được 2.016/1.950 đảng viên, vượt 3,4% so với kế hoạch.

Nét nổi bật là, trước đây, các trường thuộc lĩnh vực kỹ thuật thường có số lượng đảng viên mới thấp hơn so với trường thuộc lĩnh khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, những năm gần đây, con số này đã thay đổi đáng kể và ngày càng khởi sắc. Hay như gần đây, hầu hết trường ngoài công lập đều có tổ chức Đảng.

Họ làm rất tốt công tác phát triển đảng, thậm chí, có trường trong 1 năm kết nạp được trên 100 đảng viên mới bởi quan niệm, phát triển đảng viên là sinh viên cũng là cách để xây dựng thương hiệu của nhà trường. Sinh viên không chỉ học kiến thức chuyên môn mà còn được giáo dục toàn diện; đặc biệt là giáo dục lý tưởng và mục đích sống.

Thực tế cho thấy, để kế thừa sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác phát triển đảng, đặc biệt đảng viên là sinh viên, trí thức trẻ. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng nói chung và Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội nói riêng. Chính vì thế, từ Trung ương đến Thành ủy Hà Nội và Đảng ủy Khối đều có Nghị quyết về công tác phát triển đảng trong các cơ sở giáo dục đào tạo; trong đó quan tâm đến đối tượng là sinh viên và tri thức trẻ.

- Nếu chú trọng đến chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới, liệu chất lượng có bị ảnh hưởng, thưa ông?

- Một trong những mối quan tâm hàng đầu của Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội là chất lượng đảng viên mới. Đây là nhiệm vụ quan trọng, vì thế ngay từ bước đầu, tức là khi tạo nguồn, các trường phải giáo dục lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên. Sau đó nâng cao nhận thức về Đảng cho các em thông qua lớp bồi dưỡng. Từ đó, các em hiểu đúng bản chất, mục đích và lý tưởng của Đảng. Trên tinh thần đó, lớp trẻ sẽ có động cơ để phấn đấu vào Đảng và trở thành đảng viên tốt, gương mẫu sau khi được kết nạp.

Từ Đại hội XII, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội đã có những hướng dẫn cụ thể cho cơ sở đào tạo. Theo đó, để được kết nạp vào Đảng, học sinh, sinh viên phải phát triển toàn diện như hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và đạt kết quả từ khá trở lên. Bên cạnh đó, điểm rèn luyện phải xếp loại tốt.

Ngoài ra, các em phải tích cực tham gia phong trào, hoạt động Đoàn, Hội Sinh viên... Nói cách khác, đây là những quần chúng ưu tú xuất sắc. Sau đó, các em được tổ chức Đoàn Thanh niên, lớp học tín nhiệm, nhận xét.

Phát triển đảng viên trong trường phổ thông: Để ươm mầm 'hạt giống đỏ'  ảnh 1

Ông Phạm Văn Hải. Ảnh: NVCC

Phát huy tối đa tiềm năng trong thế hệ trẻ

- Như vậy, chúng ta có thể yên tâm, nếu làm tốt công tác phát triển đảng trong các nhà trường, cũng chính là tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp?

- Đúng vậy! Đội ngũ đảng viên là nhân tố quyết định công tác xây dựng Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị. Học sinh, sinh viên chính là rường cột của nước nhà. Có trình độ, tri thức và phẩm chất chính trị, do đó, các em chính là nguồn nhân lực chất lượng cao, chủ nhân tương lai của đất nước.

Hơn nữa, như tôi đã nói, tất cả sinh viên được kết nạp Đảng trong trường đại học, cao đẳng đều có học lực hai học kỳ liên tiếp được xếp loại khá trở lên. Ngoài ra, các em phải có phẩm chất, đạo đức tốt. Vì vậy, sau khi kết nạp, đảng viên trẻ là sinh viên đều phát huy tốt tinh thần tiên phong, gương mẫu trong học tập cũng như công việc, cuộc sống. Những sinh viên là đảng viên đã tốt nghiệp đại học cũng khẳng định năng lực công tác nên có vị trí việc làm tương xứng.

Thực tế cho thấy, làm tốt công tác phát triển đảng viên mới góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; đồng thời nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Do vậy, cần phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng trong thế hệ trẻ là học sinh, sinh viên.

- Tuy đạt kết quả khả quan song công tác phát triển đảng ở các cơ sở giáo dục đào tạo vẫn còn khó khăn, bất cập?

- Từ thực tế, tôi cho rằng, một số cơ sở giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Hầu hết tổ chức cơ sở Đảng, nhất là ở trường THPT dù đông đảng viên nhưng không có cán bộ chuyên trách, bí thư cấp ủy kiêm nhiệm. Đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ chuyên trách công tác Đảng chưa thường xuyên được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức mới nên công tác phát triển đảng chưa tương xứng.

Chẳng hạn, ngành Giáo dục Hà Nội có hơn 2.800 trường học các cấp, với trên 2,2 triệu học sinh. Tuy nhiên, 5 năm qua, toàn Đảng bộ thành phố mới kết nạp được 17 học sinh; trong đó, có 6 học sinh ở các trường THPT.

Hằng năm, cả nước có khoảng hơn 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT. Đây là nguồn lớn để bổ sung vào đội ngũ đảng viên. Hơn nữa, các trường THPT là môi trường lý tưởng thực hiện việc bồi dưỡng học sinh kết nạp vào Đảng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên một số trường THPT vẫn có tâm lý “thích thì làm, không làm thì cũng không sao”.

Thực tế, trong Nghị quyết đều xác định chỉ tiêu kết nạp đảng viên là học sinh THPT nhưng chưa thực hiện được. Kết quả cao nhất chỉ có thể thực hiện được là cử các em có tố chất đi học cảm tình Đảng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này: Thứ nhất, do học sinh chưa đủ 18 tuổi chiếm số lượng lớn. Thứ hai, phụ huynh và các em học sinh muốn tập trung vào học tập để tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học.

Ngoài ra, cũng có lãnh đạo các trường THPT cho rằng, hằng năm, nhà trường đều có giáo viên trẻ được kết nạp vào Đảng nên đã hoàn thành chỉ tiêu phát triển đảng viên. Kết quả vẫn được đánh giá là tổ chức Đảng nhà trường trong sạch, vững mạnh hoặc hoàn thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vì thế, chưa chú trọng nhiều đến phát triển đảng viên là học sinh.

Qua giám sát cho thấy, nếu nơi nào cấp ủy đảng, người đứng đầu quan tâm và quyết tâm thực hiện mục tiêu kết nạp đảng viên là học sinh THPT thì nơi đó sẽ triển khai hiệu quả, mang lại động lực thực sự cả trong tổ chức dạy học và xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

Phát triển đảng viên trong trường phổ thông: Để ươm mầm 'hạt giống đỏ'  ảnh 2

Học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam tham gia hoạt động ngoại khoá. Ảnh: TG

Cần đổi mới công tác phát triển đảng

- Vậy, theo ông giải quyết bài toán trên cần những yếu tố gì?

- Tôi cho rằng, việc đầu tiên, các trường cần đổi mới công tác phát triển đảng trong học sinh, sinh viên theo phương châm: Gắn phát triển với rà soát, sàng lọc. Qua đó, tạo chuyển biến về công tác bồi dưỡng, rèn luyện, quản lý đảng viên trước, trong và sau khi tốt nghiệp ra trường. Bên cạnh đó, đơn vị cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tiến tới số hóa hồ sơ đảng viên, khắc phục những khó khăn trong chuyển sinh hoạt đảng cho học sinh. Chẳng hạn tiếp tục bồi dưỡng, hướng dẫn chuyển tiếp để tổ chức kết nạp Đảng cho những học sinh đã có chứng chỉ về “cảm tình Đảng” nếu các đủ điều kiện.

Ngoài ra, các trường phải xác định, công tác phát triển đảng viên là nhiệm vụ chính trị quan trọng; do đó cần có sự chung tay, vào cuộc của tổ chức chính trị, xã hội. Làm sao để giáo dục các em sống có lý tưởng, hoài bão, từ đó tạo động cơ phấn đấu vào Đảng. Muốn vậy, nhà trường phải phân công đồng chí cấp ủy viên quan tâm, giúp đỡ học sinh rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống để sớm được kết nạp vào Đảng.

Đặc biệt, phải phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy. Cấp ủy có thể giao cho tổ chức chính trị, xã hội trong trường tham gia bồi dưỡng, rèn luyện đoàn viên; có nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển đảng, thậm chí là giao chỉ tiêu kết nạp Đảng viên là học sinh, sinh viên cho các chi bộ; tất nhiên chúng ta không đánh đổi chất lượng để lấy số lượng.

Thực tế cho thấy, ở đâu tổ chức Đảng và đoàn thể quan tâm, có nhiều chương trình, phong trào, hoạt động thu hút học sinh, sinh viên tham gia thì ở đó các em có mục đích sống rất rõ ràng. Giới trẻ sẵn sàng cống hiến, không có chuyện “Phai Đoàn, nhạt Đảng”.

Thứ nữa, cần làm tốt công tác phát triển đảng là học sinh, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng và trường THPT. Đây là giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, là: “Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng những đoàn viên ưu tú, trưởng thành trong lao động, học tập, trong lực lượng vũ trang; quan tâm phát triển đảng viên là công nhân, trí thức, doanh nhân để tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp”.

- Xin cảm ơn ông!

Trung ương Đảng rất quan tâm đến vấn đề phát triển đảng trong trường học, mà đối tượng là học sinh, sinh viên. Với học sinh, theo Điều lệ Đảng, công dân Việt Nam phải đủ 18 tuổi trở lên mới được kết nạp Đảng. Trong khi các em phải học cuối năm lớp 12 mới được 18 tuổi. Vì vậy, nếu học sinh THPT thực sự xuất sắc, các trường cần quan tâm bồi dưỡng để tạo nguồn cho Đảng. Các em sẽ là “hạt giống” tốt để tiếp tục phát huy khi học tại các trường đại học, cao đẳng. Khi có động cơ đúng đắn, các em sẽ được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. - Ông Phạm Văn Hải

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển đảng viên trong trường phổ thông: Để ươm mầm 'hạt giống đỏ'