Chỉ riêng sách giáo khoa và các tài liệu dành cho học sinh tiểu học được “sử dụng hình thức phiên âm, có gạch nối để nối các âm tiết trong cùng một bộ phận tạo thành tên. Ví dụ: Tô-mát Ê-đi-xơn, Mát-xcơ-va, Pa-ri, Tô-ky-ô,...".
Sách giáo khoa và các tài liệu dành cho học sinh lớp 4, lớp 5, bên cạnh hình thức phiên âm, cần chú thích nguyên dạng (hoặc chú thích cách viết trong tiếng Anh) khi tên riêng lần đầu tiên xuất hiện dưới hình thức phiên âm trong sách. Ví dụ: Tô-mát Ê-đi-xơn (Thomas Edison), Mát-xcơ-va (Moscow), Pa-ri (Paris), Tô-ky-ô (Tokyo). Ngoài hình thức đặt chú thích trong ngoặc đơn, có thể chú thích ở chân trang hoặc bên lề trang sách.
Tuy nhiên, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 30 ngày 5.3.2020 về công tác văn thư, Bộ GDĐT lại ra quyết định mới, quy định SGK tất cả các cấp học phiên âm tên riêng nước ngoài.
“Khi được lãnh đạo Bộ GDĐT hỏi ý kiến, tôi đã nói với các đồng chí lãnh đạo là việc sửa đổi quy định viết tên riêng nước ngoài của Quyết định số 1989 là không cần thiết, vì phạm vi điều chỉnh của Nghị định 30 đã được nêu rõ tại Điều 1 là quy định về công tác văn thư và quản lý nhà nước về công tác văn thư.
Tuy nhiên, vì muốn bảo đảm sự thống nhất giữa cách viết trong sách giáo khoa với cách viết trong các văn bản hành chính, Bộ GDĐT đã ra quyết định, yêu cầu các nhà xuất bản tổ chức xuất bản sách giáo khoa thực hiện việc viết hoa theo quy định tại Nghị định 30, có thêm bảng tra cứu tên riêng nước ngoài ở cuối sách, hoặc từ gốc cạnh phiên âm" - GS Thuyết chia sẻ.
Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết , Việt Nam đang thiếu luật về ngôn ngữ và văn tự, đặc biệt chưa có cơ quan nào phụ trách về vấn đề này.
"Đây là vấn đề cần đưa ra bàn bạc và thảo luận nghiêm túc để khắc phục kịp thời. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện điều này, ví dụ Trung Quốc giao Viện Hàn lâm khoa học xuất bản định kỳ các tập sách hướng dẫn phiên âm tên riêng, thuật ngữ nước ngoài sang tiếng Trung Quốc.
Nhưng nước ta chưa có cơ quan nào phụ trách vấn đề này, dẫn đến việc thiếu đồng bộ trong cách viết, mặc dù việc viết tên riêng và thuật ngữ nước ngoài trong tiếng Việt thuận lợi hơn tiếng Trung Quốc rất nhiều lần" - GS Thuyết nhận định.
Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới đề nghị Bộ GDĐT sớm giải quyết vấn đề này; nếu cần thì khẩn trương xin ý kiến chấp thuận của Chính phủ.