Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động du lịch, nhiều doanh nghiệp, HHDL luôn chủ động, tranh thủ mọi cơ hội khởi động ngay các hoạt động du lịch khi điều kiện cho phép. Hàng loạt chương trình kích cầu của doanh nghiệp, chương trình cấp tỉnh, cấp vùng, cấp quốc gia đã được triển khai kịp thời, nhanh chóng thời gian qua đã thể hiện sự năng động của ngành Du lịch. Để khôi phục, phát triển ngành du lịch sau đại dịch COVID-19, cần xây dựng và triển khai một chương trình tổng thể, các cấp, ngành, địa phương và cả tầm quốc gia cùng thống nhất hành động.” - Chủ tịch HHDL Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ.
Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trước bối cảnh và các xu hướng phát triển của du lịch thế giới, Tổng cục Du lịch xác định một số yêu cầu và định hướng đối với việc phục hồi, phát triển ngành du lịch Việt Nam. Cụ thể, việc phục hồi và phát triển du lịch cần được triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ, nhanh chóng trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, trong khu vực đang diễn ra gay gắt để thu hút du lịch quốc tế quay trở lại.
Thêm vào đó, việc phục hồi và phát triển du lịch cần phải thích ứng với các nhu cầu, xu hướng du lịch mới trong khu vực, trên thế giới trong điều kiện bình thường mới. Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhận định: “Trong bối cảnh các nguồn lực còn khó khăn, việc phục hồi và phát triển du lịch vừa đòi hỏi đảm bảo an toàn, vừa phải đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế; tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, mang lại giá trị gia tăng cao hơn so với trước đại dịch. Người làm du lịch cũng phải không ngừng đổi mới tư duy; sáng tạo, đổi mới cách làm trong việc tiếp cận thị trường và phát triển sản phẩm du lịch; đầu tư mạnh vào công nghệ trong phát triển du lịch”.
Nhiếu ý kiến khác đã được đưa ra tại Diễn đàn, với mong muốn đồng hành, thúc đẩy ngành Du lịch khôi phục và phát triển tốt hơn trong bối cảnh bình thường mới.
Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch Lê Tuấn Anh chia sẻ việc Quỹ đã vận hành và đi vào hoạt động, sẽ góp phần phục hồi, phát triển du lịch sau đại dịch, khi các nguồn lực đã suy giảm đáng kể. Hoạt động của Quỹ cũng góp phần nâng cao vai trò của Nhà nước trong việc định hướng, thúc đẩy các hoạt động phát triển du lịch, tăng cường hợp tác công-tư, tạo nguồn lực, cơ chế linh hoạt hơn trong cách hoạt động xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ phát triển du lịch.
Trưởng ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn cho rằng, các chính sách hỗ trợ cũng cần hướng đến việc giãn các khoản thuế và tiền thuê đất; cần có chính sách thị thực cởi mở hơn như nới thời gian lưu trú tại Việt Nam cho du khách dài ngày hơn.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc, cần có thêm chính sách hoàn thuế cho người nước ngoài xuất cảnh thuận lợi với du khách quốc tế.
Trong khi đó, Theo Chủ tịch HHDL Đà Nẵng Cao Trí Dũng, các doanh nghiệp cần đi sâu vào nhóm nhu cầu chuyên biệt của khách, từ đó xây dựng các sản phẩm du lịch an toàn, du lịch y tế, du lịch MICE; ngành Du lịch cũng cần tăng cường truyền thông hình ảnh quốc gia, giúp khách quốc tế dễ dàng tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam.
Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, mỗi địa phương cần tìm sản phẩm độc đáo, riêng biệt để thu hút khách. Ông Phùng Quang Thắng gợi ý những sản phẩm độc đáo tương tự như nhà hàng không rác thải ở Quảng Nam, hay tour trải nghiệm đêm linh thiêng ở Hỏa Lò... sẽ rất thu hút sự quan tâm của du khách.
Mặt khác, theo ông Phùng Quang Thắng, để hấp dẫn khách quốc tế, du lịch Việt Nam cần tổ chức các đoàn doanh nghiệp, báo chí từ các thị trường mục tiêu vào khảo sát để có sự kết nối thị trường nhanh nhất.