- Các nhóm lựa chọn hình mình cắt ghép.
Bước 4: Tiến hành thực nghiệm tìm tòi.
(Học sinh có thể thực hiện một trong các cách sau, nếu quá khó so với trình độ các em thì giáo viên có thể gợi ý).
Cách 1: Học sinh cắt ghép hình thang thành hình tam giác.
Lấy trung điểm I trên cạnh bên BC, dùng kéo cắt theo mép AI, được tam giác ABI ghép thành hình tam giác AA’D (điểm B trùng với điểm C). Hướng dẫn học sinh quan sát để nhận ra đáy DA’ của tam giác AA’D bằng tổng 2 cạnh đáy AB và CD của hình thang ABCD.
Vận dụng công thức tính diện tích hình tam giác ở bài trước, học sinh tính được S.AA’D = DA’ x AH : 2.
Từ đó các em ghi vào vở thực hành S.ABCD = (AB + CD) x AH : 2
Vậy diện tích hình thang bằng tổng 2 đáy nhân chiều cao rồi chia 2.
Cách 2: Học sinh cắt ghép hình thang thành hình chữ nhật.
Lấy 2 trung điểm K và I của 2 cạnh bên AD và BC, qua hai trung điểm đó vẽ 2 đường thẳng vuông góc với cạnh đáy CD của hình thang. Dùng kéo cắt theo mép IP được hình tam giác IPC. Ghép tam giác IPC vào vị trí IP’B (điểm C trùng với điểm B).
Tương tự, cắt theo mép KQ được hình tam giác KQD. Ghép tam giác KQD vào vị trí KQ’A (điểm D trùng với điểm A). Sau khi cắt ghép được hình chữ nhật Q’P’PQ. Diện tích hình thang ABCD bằng diện tích hình chữ nhật Q’P’PQ.
Mà diện tích hình chữ nhật Q’P’PQ bằng chiều cao hình thang ABCD nhân với PQ (PQ chính bằng trung bình cộng 2 đáy AB và CD của hình thang ABCD).
(Giáo viên quan sát lớp, giúp đỡ để các em nhận ra chiều dài PQ của hình chữ nhật chính bằng trung bình cộng của hai đáy AB và CD để học sinh dễ dàng tính được và ghi vào vở thực hành).
SQ’P’PQ = (AB + CD) : 2 x PP’(PP’ bằng chiều cao AH của hình thang ABCD)
Nên SABCD = (AB + CD) : 2 x AH
Vậy diện tích hình thang bằng tổng 2 đáy chia 2 rồi nhân chiều cao.
Bước 5: Kết luận, khái quát hóa kiến thức mới.
Các nhóm sau khi đã thực nghiệm, tiến hành chia sẻ và trình bày trước lớp. Trong quá trình học sinh chia sẻ, giáo viên giúp các em nhận ra dấu hiệu, yếu tố để tính được diện tích hình thang.
Khái quát hóa nội dung bài học bằng quy ước: Gọi diện tích hình thang là S, 2 cạnh đáy của hình thang lần lượt là a và b, chiều cao là h. Em hãy viết công thức tính diện tích hình thang.
Học sinh viết vào vở thực hành, giáo viên chốt ý ghi bảng nội dung bài học: S = (a + b) x h : 2.
Có thể nói rằng, tổ chức các hoạt động dạy học theo những phương pháp mới là quá trình cả giáo viên và học sinh dám từ bỏ lối mòn, rập khuôn máy móc để thực hiện những điều mới mẻ vượt ra khỏi phạm vi của sách giáo khoa.
Rất khó thực hiện nhưng làm được chính là chúng ta đang thổi vào lớp học một luồng gió mới. Học sinh phấn chấn, hào hứng và tích cực hơn trong các hoạt động; các em được trực tiếp làm việc, suy nghĩ, nghiên cứu, tìm ra câu trả lời cho các vấn đề các em đặt ra, tạo ra cách thức và lối tư duy mới.
Cũng từ đó các bài toán hình học nâng cao không phải trở nên quá khó. Như vậy, dạy học toán bằng phương pháp “Bàn tay nặn bột” là một mũi tên trúng nhiều đích, các em vừa nắm được kiến thức, kĩ năng bài học, vừa phát triển được năng lực phẩm chất của con người trong thời đại mới: Luôn sẵn sàng, chủ động tìm tòi và khám phá…