Quấy rối tình dục và nỗi bất an khi mặc áo dài đi học

PV | 31/12/2022, 08:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo chuyên gia, áo dài hay trang phục của nữ sinh nói chung không phải là nguyên nhân của quấy rối tình dục, dù nó có thể làm tăng sự bất an của người mặc.

Nữ sinh mặc áo dài trong lễ khai giảng năm học mới. Ảnh: Duy Hiệu.

Dù đã học đến năm thứ 2 đại học, P.L. vẫn nhớ cảm giác lo lắng mỗi lần phải mặc áo dài đến trường cấp 3.

“Năm mình lớp 10, trường có một nam sinh biến thái, thường đi theo nữ sinh và giở trò quấy rối. Trước đó, mình có nói chuyện cùng bạn đó. Sau này biết chuyện, mỗi lần mặc áo dài đi học, mình sợ gặp trúng bạn đó, thậm chí ngại các ánh mắt của bạn nam, dù các bạn chỉ vô tình nhìn", P.L. chia sẻ với Zing.

Trong khi đó, Ngọc Vương, học sinh lớp 10 tại TP.HCM, không ít lần chứng kiến các nam sinh quấy rối, trêu chọc, thậm chí tình dục hóa hình ảnh nữ sinh mặc áo dài. Nam sinh này cũng từng bị cô lập vì lên tiếng chỉ trích các bạn nam có hành động và lời nói thái quá các nữ sinh.

Lo ngại bị quấy rối

P.L. cao tới 1m65, tuy nhiên, cô chỉ nặng 45 kg. Dáng người gầy, L. thường xuyên tự ti về ngoại hình mỗi khi phải mặc áo dài vào thứ hai hàng tuần. L. nhận xét bản thân “thiếu sức sống", trông “buồn cười" trong bộ áo dài trắng.

Không ít lần, L. bị các bạn học body shaming (miệt thị ngoại hình), trêu chọc về ngoại hình. Những lần đầu, L. cũng cười trừ cho qua chuyện. Tuy nhiên, lâu dần, tần suất diễn ra ngày một nhiều, L. sợ ngày đầu tuần. Vài lần, tâm trạng không tốt, L. viết đơn xin nghỉ mặc áo dài buổi học hôm đó. Thậm chí có lần, cô báo ốm để được xuống phòng y tế, không phải mặc áo dài xuống sân. Nữ sinh cũng thử nhiều cách ăn uống, tập luyện, hy vọng tăng cân để mặc áo dài đẹp hơn.

Tuy nhiên, điều L.P. lo ngại nhất khi mặc áo dài là sợ bị quấy rối. Sau lần trong trường xuất hiện nam sinh biến thái, L. luôn cảm giác có ánh mắt người khác nhìn cô soi mói. Dù thời tiết nóng đến đâu, cô cũng mặc thêm áo khoác bên ngoài để bảo vệ. Canh đến hết giờ, L. vội vàng đi thay đồng phục ngay lập tức.

“Các bạn nam chỉ vô tình nhìn, mình cũng thấy sợ. Mình sợ có ai đi theo và quấy rối. Chưa kể, mình còn thường xuyên nghe các bạn nam nói những câu như ‘chỉ đợi trời mưa để coi mấy nhỏ mặc áo dài’. Mấy bạn nữ có dáng người đẹp sẽ là chủ đề của họ", L. nói.

Tương tự, Ngọc Vương không ít lần chứng kiến các nam sinh thiếu ý thức, tùy tiện tình dục hóa hình ảnh nữ sinh mặc áo dài, cố tình đưa các vấn đề này ra làm chủ đề thảo luận trong các nhóm kín, thậm chí body shaming trực tiếp với các bạn nữ.

Có lần, một nữ sinh ở trường được lên sân khấu nhận bằng khen. Bạn nữ này có thân hình hơi đầy đặn. Khi đó, Vương lại nghe thấy vài bạn nam nhận xét cơ thể nữ sinh này, thích thú cười đùa với nhau. Vương cũng được bạn học kể lại trong các nhóm kín, nhiều nam sinh đem hình thể các nữ sinh mặc áo dài ra bình phẩm, thậm chí “ước trời mưa để trải nghiệm cảm giác”. Trong khi đó, các bạn nữ Vương quen thường có suy nghĩ bỏ qua hoặc chịu đựng việc bị trêu chọc.

Vương cho rằng nếu mặc đồng phục như quần áo, điều này sẽ hạn chế hơn, bởi áo dài thường ôm sát cơ thể, vải lại mỏng hơn so với áo sơ mi, gây bất tiện cho các bạn nữ.

Nhiều lần, Vương tỏ ra khó chịu với hành động của các nam sinh khác và báo với cô giáo, nhưng việc này khiến cậu bị khá nhiều bạn cô lập. Vương cho biết thêm giáo viên thường không giải quyết những việc này, coi đó là chuyện trẻ con. Nếu có, giáo viên cũng chỉ nhắc nhở vài câu, nhưng đâu lại vào đó.

Đến nay, Vương đã học hết nửa năm lớp 10, tuy nhiên, việc nhắc nhở hay giáo dục toàn trường về vấn đề này chưa từng diễn ra ở trường cậu.

Mối liên hệ giữa quấy rối và áo dài?

Tiến sĩ Xã hội học, chuyên gia tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy khẳng định việc nữ sinh mặc áo dài không liên quan đến việc bị quấy rối, lỗi nằm ở những kẻ quấy rối người khác. Bên cạnh đó, tình trạng tình dục hóa áo dài là quan điểm của một bộ phận có tư tưởng, đạo đức lệch lạc.

Nếu tình dục hóa hình ảnh áo dài, những kẻ đó vốn đã có những suy nghĩ lệch lạc về vấn đề tình dục.

Theo TS Thúy, các hành vi quấy rối có thể bao gồm quấy rối bằng ánh mắt, quấy rối bằng hành động, lời nói. Những hành vi này là xúc phạm danh dự và bạo lực tinh thần người khác, chúng ta phải xử lý nghiêm những trường hợp như vậy.

“Một quan điểm rất sai lầm là tại phụ nữ ăn mặc hở hang nên họ bị quấy rối. Tôi phản đối quan niệm này vì nó hoàn toàn sai về mặt quan điểm và đạo đức. Quần áo hay những gì con người mặc không phải nguyên nhân quấy rối. Vấn đề này nằm ở đạo đức của những người đi quấy rối. Vì vậy, chúng ta không thể đổ tại nữ sinh mặc áo dài nên tình trạng quấy rối diễn ra", TS Phạm Thị Thúy nhận định.

Tương tự, chị Bùi Thị Minh Ngọc, chuyên gia giáo dục giới tính, Trung tâm trẻ em và phát triển CCD, cũng cho rằng việc mặc áo dài không liên quan đến việc nữ sinh bị quấy rối. Dù mặc trang phục gì, nữ sinh hay bất kỳ ai đều có thể gặp tình trạng này. Việc quấy rối hay body shaming có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, không nhất thiết là trang phục.

Tuy nhiên, theo chị Ngọc, việc mặc áo dài có thể khiến các nữ sinh lo ngại tăng nguy cơ quấy rối. Khi mặc áo dài, nếu không cẩn thận, việc lộ một phần cơ thể như phần eo dễ xảy ra, điều này khiến đa phần nữ sinh cảm thấy không thoải mái.

Khi nữ sinh không thoải mái, các em dễ xuất hiện cảm giác bất an, yếu đuối, không thể phản kháng… Những cảm giác này khiến các em e ngại việc mặc áo dài đến trường.

Chị Ngọc nhận định nguyên nhân của hành vi quấy rối có thể xuất phát từ tư tưởng vật hóa phụ nữ, thiếu tôn trọng cơ thể con người, thiếu tôn trọng đối phương, đem cơ thể ra trêu chọc. Thậm chí, hành vi quấy rối có thể xuất phát từ thói quen đem tình dục ra trêu đùa, “nói cho vui".

Ngoài ra, hành vi quấy rối cũng liên quan đến cảm giác quyền lực. Khi thực hiện hành vi quấy rối, người thực hiện cảm thấy bản thân có quyền lực, thỏa mãn nhu cầu được khẳng định bản thân, được xác định quyền lực đối với người yếu đuối hơn.

Đối với môi trường học đường, hành vi quấy rối có thể xuất hiện do các quy định của nhà trường về vấn đề này chưa chặt chẽ, chưa nghiêm khắc, khiến học sinh cảm thấy việc quấy rối là điều bình thường, không để lại hậu quả nghiêm trọng hay gây tổn thương cho người khác.

Bên cạnh đó, các hành vi quấy rối học đường đa số là hành vi trêu chọc, trong đó có trêu chọc về vấn đề mặc áo dài. Theo chị Ngọc, học sinh thực hiện các hành vi này thường không nhận thức được mức độ nghiêm trọng, không nhận thức được đó là hành vi quấy rối. Thậm chí nhiều em chưa từng được thầy cô hay gia đình nhắc nhở về vấn đề đó.

Về vấn đề tình dục hóa hình ảnh nữ sinh mặc áo dài, theo chị Ngọc, đây là vấn đề chung của văn hóa.

“Lâu nay, người ta vẫn định kiến cơ thể phụ nữ là để phục vụ đàn ông. Từ định kiến này sinh ra nhiều sản phẩm gắn phụ nữ với việc phải đẹp để hấp dẫn đàn ông. Tình trạng này ngày càng trẻ hóa. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình dục hóa hình ảnh nữ sinh mặc áo dài", chị Ngọc nói.

Dưới góc độ chuyên gia về giới tính, tình dục, chị Ngọc nhận định gia đình và nhà trường cần giảng dạy các em kiến thức, thông tin về bình đẳng giới, tình dục, tôn trọng ranh giới cá nhân, chủ động, tự chủ với cơ thể, càng sớm càng tốt.

Quá trình này cần diễn ra xuyên suốt trong các cấp học để các em có nền tảng sớm. Khi lên đến bậc trung học, các em có thể tự chủ với cơ thể mình và biết tôn trọng người xung quanh.

Bài liên quan
Á hậu 1 Nguyễn Thị Thuận: Hoa hậu áo dài Việt Nam thật sự là một thử thách
(GDTĐ) - Á hậu 1 của cuộc thi Hoa hậu áo dài Việt Nam 2022 chia sẻ về hành trình đăng quang ngôi vị danh giá của cô.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quấy rối tình dục và nỗi bất an khi mặc áo dài đi học