Trước cuộc xung đột ở Ukraine, quỹ này chỉ được sử dụng để cung cấp các thiết bị phi sát thương cho Georgia, Mali, Moldova, Mozambique và Ukraine, với tổng trị giá không đến 125 triệu USD.
Hungary với tư cách thành viên EU và NATO, đã từ chối thông qua khoản chi mới nhất trừ khi EU cam kết sử dụng quỹ EPF cho mục đích toàn cầu, thay vì chỉ tập trung cung cấp vũ khí cho Ukraine, hãng thông tấn ANSA của Italia dẫn nguồn tin cho biết.
Mặc dù là thành viên NATO nhưng chính quyền Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã từ chối để NATO vận chuyển vũ khí qua lãnh thổ nước này để cung cấp cho Ukraine. Ông Orban duy trì lập trường kêu gọi hòa bình, ủng hộ kế hoạch hòa bình mà Trung Quốc đưa ra.
Cuối năm ngoái, Hungary đã ngăn một đợt viện trợ kinh tế trị giá 18 tỷ euro cho Ukraine. Số tiền này được EU vay trên thị trường toàn cầu. Ông Orban cho rằng, EU làm như vậy sẽ trở nên "mắc nợ" vì vấn đề Ukraine. Cuối cùng, ông Orban đã đồng ý "bật đèn xanh" khi EU dỡ bỏ đóng băng đối với các khoản hỗ trợ của tổ chức cho Hungary.
Tháng 1/2023, Hungary cũng chặn gói hỗ trợ thứ 7 trích từ quỹ EPF cho Ukraine và chỉ đồng ý thông qua sau đó vài tuần.