“Nếu 6 tháng một lần mà phát sinh những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì sẽ chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển. Vì vậy cần phải sửa lại nội quy kỳ họp theo hướng linh hoạt hơn, thậm chí có những việc cấp bách thì Quốc hội có thể họp trực tuyến như vừa rồi”, ông Cường nói và cho biết hiện Chính phủ đã trình 7 vấn đề trong đó có 2 vấn đề phải báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội. Ngoài ra, với 5 vấn đề còn lại, các cơ quan của Quốc hội đang phối hợp với Chính phủ để xem xét, chuẩn bị.
Đề cập đến nội dung dự kiến phiên họp chuyên đề, bà Đoàn Thị Thanh Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng Chính phủ đang xây dựng gói hỗ trợ, chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế xã hội, tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để sớm trình Quốc hội.
“Nếu chuẩn bị kịp sẽ tổ chức kỳ họp chuyên đề của Quốc hội vào cuối tháng 12/2021 hoặc đầu tháng 1/2022 để xem xét”, bà Mai nói.
Về nội dung ưu tiên, theo bà Mai, chương trình phục hồi kinh tế trước mắt ưu tiên thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch, không lơ là chủ quan. Vì vậy, cần bố trí nguồn lực và kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Bên cạnh đó, đơn vị chức năng cần tính toán quy mô hỗ trợ của chương trình phải tương ứng mức độ độ ảnh hưởng của đại dịch, có phương án huy động phân bổ nguồn lực đảm bảo khả thi hỗ trợ cung và cầu của nền kinh tế. Đồng thời, các chính sách phải có trọng tâm trọng điểm, tạo điều kiện phục hồi và phát triển đột phá một số ngành nghề lĩnh vực có cơ hội và tiềm năng lớn.