Một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters rằng, chiến lược an ninh quốc gia hiện nay của Mỹ đặt ra yêu cầu đánh bại một đối thủ lớn trong khi răn đe một đối thủ khác.
Ủy ban vị thế chiến lược lập luận rằng mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga sẽ trở nên nghiêm trọng hơn vào năm 2027, vì vậy “cần phải đưa ra quyết định ngay bây giờ để nước Mỹ có sự chuẩn bị”.
Báo cáo của Quốc hội Mỹ cũng yêu cầu mua sắm số lượng lớn máy bay ném bom tàng hình B-21 và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Columbia. B-21 vẫn đang trong quá trình phát triển và dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng sớm nhất vào năm 2027. Hai tàu ngầm lớp Columbia đầu tiên đang được đóng và dự kiến vào năm 2030.
Hải quân Mỹ dự kiến đặt mua 12 chiếc, để thay thế 18 tàu lớp Ohio hiện đang phục vụ.
“Giữa tất cả các khuyến nghị của Ủy ban nhằm tăng số lượng hệ thống hạt nhân chiến lược và chiến thuật, hầu như không đề cập đến chi phí trong toàn bộ báo cáo cho thấy sẽ không có giới hạn nào đối với chi tiêu quốc phòng”, Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) nhận định.
Tại một sự kiện báo chí công bố báo cáo, Phó Chủ tịch Ủy ban vị thế chiến lược, cựu Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Jon Kyl lập luận rằng, chi tiêu quân sự cao hơn chỉ là một cái giá nhỏ để “hy vọng ngăn chặn” một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra và rằng Tổng thống Joe Biden và Quốc hội Mỹ cần phải “thực hiện các biện pháp cần thiết".
Tuy nhiên, theo FAS, các khuyến nghị của ủy ban “có khả năng làm trầm trọng thêm cuộc chạy đua vũ trang, hạn chế hơn nữa cơ hội hợp tác với Nga và Trung Quốc về kiểm soát vũ khí và chuyển hướng tài trợ khỏi các ưu tiên gần hơn”.
FAS lưu ý, lý do duy nhất khiến ủy ban không tranh luận về việc mở rộng ngay lập tức kho dự trữ hạt nhân của Mỹ “là tổ hợp sản xuất vũ khí hiện không có khả năng làm như vậy”. FAS cho rằng không cần thiết phải có một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân miễn là Mỹ có đủ tàu ngầm để tạo ra khả năng răn đe đáng tin cậy trước cuộc tấn công đầu tiên của đối thủ.
(Nguồn: russian.rt.com)