Quỹ Hỗ trợ phát triển giúp nhà làm phim như 'hổ thêm cánh'?

Trần Hoà | 09/06/2023, 15:42
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều người tin tưởng vào Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, bởi nếu được hỗ trợ nhà làm phim sẽ như 'hổ thêm cánh'.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cho hay, trước đây nhiều người lên tiếng muốn chúng ta có một quỹ điện ảnh. Quỹ này nhằm phát triển điện ảnh, tập trung vào các “nhà làm phim độc lập” để hỗ trợ các dự án, tuy nhiên dù được kêu gọi đã lâu nhưng cũng chưa lập xong.

Nhiều cơ hội dành cho điện ảnh Việt đã qua, cùng với đó là những ý tưởng và sự nhiệt huyết theo thời gian cũng bị bào mòn đi đầy luyến tiếc.

“Thời điểm hiện tại, nếu lập quỹ điện ảnh dành riêng cho phim độc lập thì đã bị quá chậm và không còn thức thời nữa. Nếu có lập quỹ thì nó phải là “Quỹ Phát triển điện ảnh Việt Nam” nói chung.

Quỹ đầu tư vào phát triển một nền công nghiệp điện ảnh chứ không phải dành riêng cho phim độc lập, trong đó quỹ cũng dành một hạng mục hỗ trợ phim độc lập”, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ.

Lý do ông Dũng đưa ra là hiện tại, nếu quỹ chỉ dành cho điện ảnh độc lập thì đã lỡ nhịp xu thế vì các quốc gia xung quanh đang đi tốc độ nhanh chứ không dùng riêng kênh phim độc lập để lan tỏa.

Hơn 10 năm trước, điện ảnh Việt còn đang thiếu nhiều thứ, từ nhân sự, kinh nghiệm và lực lượng sáng tác lẫn công nghệ. Hiện tại, các ô trống này có thể được lấp đầy kèm theo sự phối hợp với các đối tác quốc tế.

Một quỹ điện ảnh ra đời nếu được một nhóm điều hành tốt có thể thay đổi toàn bộ điện ảnh Việt Nam trong vòng 10 năm, điện ảnh Việt Nam có thể ngược dòng xuất khẩu sang quốc gia khác.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, đất nước Việt Nam như một bài thơ đẹp, trong trẻo đầy màu sắc. Điện ảnh Việt Nam cất cánh cũng cần đầy sắc màu rực rỡ mang theo niềm tự hào hình ảnh văn hóa con người Việt Nam đến với các quốc gia khác. Qua đó nâng cao hình ảnh thương hiệu của Việt Nam trong mọi lĩnh vực cả văn hóa và phát triển kinh tế.

Trong Hội thảo quốc tế “Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam và Đông Nam Á”, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, việc hợp tác công tư, huy động các nguồn lực xã hội hóa vào hoạt động sản xuất phim, phổ biến, phát hành, quảng bá… vô cùng quan trọng. Các địa phương cần nỗ lực trong việc khuyến khích, có chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất phim tại địa phương.

Việc địa phương quảng bá hình ảnh và thúc đẩy du lịch dù cần thiết, nhưng các địa phương hầu hết vẫn đang “giậm chân tại chỗ”. Đạo diễn Lương Đình Dũng nói rằng, mỗi tỉnh đều có đặc trưng riêng từ những thương hiệu vùng miền, tuy nhiên chúng ta hầu như không thấy một phim quảng cáo hay phim điện ảnh nào được đầu tư để tự quảng bá cho địa phương.

“Có thì chỉ là những bộ phim tài liệu giới thiệu khô cứng, không phải đúng là một phim quảng cáo mang trách nhiệm quảng bá hiệu quả. Mỗi tỉnh nếu chủ động và có chính sách quảng bá chiến lược tốt hơn dành cho điện ảnh, nếu không thể dành cho điện ảnh sớm thì hãy dành ngân sách thực hiện những phim quảng cáo giới thiệu về hình ảnh, con người, sản phẩm của mình”, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ.

“Bên cạnh các lợi ích của quỹ điện ảnh thế giới như hỗ trợ phát triển liên hoan phim của các quốc gia, giúp phát triển kinh tế đất nước và khi được các quỹ này tài trợ nhà làm phim có thể cạnh tranh với điện ảnh Hollywood, được tham gia vào các liên hoan phim hạng A, hay được công chiếu bộ phim ở các nước lớn trên thế giới” - TS Đào Lê Na - Trưởng Bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu - Điện ảnh (Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM).

Bài liên quan
Luật điện ảnh sửa đổi thúc đẩy phát triển phim Việt
Hội nghị góp ý dự thảo Luật điện ảnh sửa đổi, diễn ra tại Hà Nội và TPHCM vừa kết thúc. Hội nghị mở ra nhiều băn khoăn, nhưng cũng đầy hi vọng để phim Việt phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quỹ Hỗ trợ phát triển giúp nhà làm phim như 'hổ thêm cánh'?