Sân khấu Việt thiếu tác phẩm tạo sức hút

Trần Hoà | 06/07/2022, 16:09
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong khi nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ngày càng nổi trội thì sân khấu Việt vẫn thiếu tác phẩm tạo sức hút lớn để có thể bứt phá.

Nghệ thuật sân khấu là lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa, hướng con người tới khát vọng chân – thiện – mỹ, và góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, sân khấu Việt gần như đi xuống, nhiều sân khấu chấp nhận đóng cửa.

san-khau-1.jpg
Truyện Kiều của Nguyễn Du là một trong những tác phẩm văn học được sân khấu khai thác nhiều.

Một thời vang bóng

NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam bùi ngùi nhớ về thời huy hoàng của sân khấu, với những vở tuồng “Sơn Hậu” hay vở chèo “Lưu Bình - Dương Lễ”.

Ông Thọ cho rằng, sân khấu truyền thống lấy tính “giáo huấn” làm trung tâm. Các nhân vật điển hình của sân khấu lấy chữ “trung” làm đầu, lấy “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” làm cơ sở hành động trong mối quan hệ ứng xử. Điều đó đã thu hút người xem và có tính giáo dục cao.

Thời kỳ cách mạng, đề tài lịch sử là mảnh đất màu mỡ của sân khấu. Nhiều tác giả có công đóng góp cho mảng đề tài này được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, như: Tác giả Tào Mạt với “Bài ca giữ nước”, Tống Phước Phổ với “An Tư công chúa” và “Lam Sơn khởi nghĩa”, Thế Lữ với “Đề Thám”. Sau này có Đào Hồng Cẩm, Học Phi, Trần Hữu Trang…

“Trước thời kỳ đổi mới, những tác phẩm phản ánh đề tài xã hội bao giờ cũng được công chúng quan tâm. Nhiều tác phẩm sân khấu có tính dự báo được yêu thích đã tác động tới đời sống tinh thần xã hội. Hiện tượng Lưu Quang Vũ trong đời sống sân khấu lúc bấy giờ là một điển hình”, NSND Lê Tiến Thọ cho hay.

“Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” – lời dạy của Bác Hồ đã thôi thúc các nghệ sĩ sân khấu vươn ra tiếp cận hầu hết các lĩnh vực, đề tài cần thiết, và có lúc còn đi tiên phong so với một số loại hình. Nhiều tác phẩm sân khấu gây được tiếng vang, tạo dư luận cho đông đảo người xem, góp phần làm nên những sự kiện văn hóa.

san-khau-3.jpg
Đã qua thời vàng son của nghệ thuật sân khấu.

Cũng theo ông Thọ, trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1985 tại TPHCM, 5 vở kịch: Nhân danh công lý, Tôi và chúng ta, Nhân chứng và lịch sử, Mùa hè ở biển, Đỉnh cao mơ ước – được ví như “5 chiếc xe tăng” tiến vào chinh phục khán giả phía Nam trên mặt trận văn hóa.

Tuy nhiên đến nay, đỉnh cao của sân khấu Việt chỉ còn là một thời vang bóng. Sự phát triển của công nghệ tạo điều kiện cho khán giả thêm nhiều cơ hội trong việc lựa chọn hình thức giải trí. Sân khấu không đáp ứng được nhu cầu thị hiếu nên vắng bóng khán giả.

Trong tháng 5/2022, ngược với không khí “Liên hoan Sân khấu toàn quốc phía Nam”, sân khấu đột nhiên đóng cửa gần hết, chỉ còn vài sàn diễn cầm cự bằng một ít suất diễn theo đơn đặt hàng. NSƯT Trịnh Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu TPHCM thừa nhận: “Lĩnh vực sân khấu gần như tê liệt. Thói quen thưởng thức nghệ thuật trực tiếp đang dần mai một. Một số sân khấu buộc phải đóng cửa, là thực trạng phải chấp nhận, cho dù rất buồn”.

Hướng đi nào cho sân khấu?

Trước những khó khăn khó cứu vãn, nhưng vì yêu sân khấu nên NSƯT Trịnh Kim Chi đang phải gồng mình duy trì sân khấu cá nhân. Đồng thời, chị cũng tiếp nhận sân khấu Kịch Phú Nhuận - bởi muốn tiếp tục chèo chống giúp NSND Hồng Vân, vì không đành lòng để một thương hiệu sân khấu xã hội hóa suốt 20 năm bị đóng cửa mất tên.

Ngoài các yếu tố khách quan dẫn tới khó khăn cho sân khấu, theo NSND Lê Tiến Thọ thì một yếu tố chủ quan – là sân khấu vẫn thiếu tác phẩm tạo sức hút lớn đối với khán giả. Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi cũng cho rằng, để có một kịch bản chất lượng, hợp thời và hút khán giả là rất hiếm hoi.

Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề “có tác phẩm lớn tạo sức hút” lại không phải là dễ, càng không phải chuyện một sớm một chiều. Bởi vậy, nhiều sân khấu – thay vì chờ kịch bản hay đã sân khấu hóa các tác phẩm văn học kinh điển.

san-khau-2.jpg
Nhiều sân khấu khai thác đề tài lịch sử, thiếu đi tính đương đại.

Những tác phẩm như Truyện Kiều của Nguyễn Du được biến hóa, khai thác ở nhiều góc độ, chuyển thể sang nhiều loại hình – kể cả trên sân khấu ballet.

Ngoài việc khai thác các tác phẩm văn học, nhiều sân khấu đi sâu vào đề tài lịch sử, cận đại… Bởi vậy, gần như rất hiếm có tác phẩm sân khấu mang hơi thở đương đại, mang những bộn bề của đời sống hiện thực để phản ánh, để giãi bày và để khán giả suy ngẫm.

PGS.TS Đinh Quang Trung – Viện trưởng Viện nghiên cứu Sân khấu – Điện ảnh, cho rằng, ở Việt Nam, sân khấu đương đại còn khá mới lạ, song đây là hình thức sân khấu thuộc về trào lưu nghệ thuật đương đại.

Nó có khả năng giải phóng năng lực sáng tạo ở mức cao nhất, đồng thời mở ra sự kết nối vô hạn giữa người sáng tạo và người thưởng thức. Bởi vậy, sân khấu Việt Nam hiện nay cần tiếp nhận, phát triển trào lưu sân khấu đương đại.

“Đam mê thì mở sân khấu, không gánh nổi thì quyết định đóng cửa chứ không nên đổ thừa cho ai và vì cái gì. Nếu được Nhà nước hỗ trợ thì quá mừng, nhưng nếu chưa hoặc không có thì cũng phải tự thân vận động tìm ra giải pháp để tiếp tục tồn tại”.

- NSƯT Trịnh Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu TPHCM

Để hội nhập cùng sân khấu thế giới và đáp ứng nhu cầu sáng tạo, nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam không thể không nhập cuộc với sân khấu đương đại.

“Với tinh thần đó, sân khấu Việt Nam cần khuyến khích phát triển sân khấu đương đại, đi đôi với việc duy trì những hình thức sân khấu mà nền tảng lý thuyết của nó đến nay vẫn được các quốc gia trên thế giới và Việt Nam ứng dụng”, PGS.TS Đinh Quang Trung cho biết.

Bài liên quan
Hoài Linh tái xuất, sân khấu thêm nhộn nhịp
Tối ngày 7/1, phim trường Khang (Gò Vấp - TP HCM) nhộn nhịp khán giả vì có sự xuất hiện của NSƯT Hoài Linh tái xuất sau thời gian lùm xùm liên quan tiền từ thiện.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sân khấu Việt thiếu tác phẩm tạo sức hút