"Điều đó khiến đất nước và người dân Solomon rơi vào tình trạng khó khăn. Nhưng tôi rất mừng khi thông báo rằng Trung Quốc đã đẩy mạnh việc hỗ trợ ngân sách cần thiết cho Solomon trong năm 2023", Thủ tướng Quần đảo Solomon nói thêm.
Ông Sogavare còn cho biết, Trung Quốc đang cung cấp dịch vụ y tế, nông nghiệp, thể thao, xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ giải quyết ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở Solomon.
Thủ tướng Quần đảo Solomon cho rằng các đồng minh truyền thống của quần đảo không nên lo ngại về mối quan hệ đang phát triển của Solomon với Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào khác.
"Quần đảo Solomon không có thù, chỉ có bạn. Chúng tôi dang rộng vòng tay và tìm kiếm sự hợp tác với mọi quốc gia", ông Sogavare nói.
Trong một tuyên bố sau đó, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho biết, nước này không rút lại bất cứ khoản tài trợ phát triển nào của Quần đảo Solomon. "Úc đã thực hiện các cam kết hỗ trợ ngân sách cho Quần đảo Solomon trong năm nay. Việc hỗ trợ này phân bố ở nhiều lĩnh vực gồm y tế, giáo dục và bầu cử", một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho hay.
Từ lâu, Úc đã là đối tác của Quần đảo Solomon. Nhưng những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh phát triển quan hệ với quần đảo này nhằm tăng cường sự hiện diện ở khu vực Thái Bình Dương.
Năm 2022, Quần đảo Solomon ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc, cho phép Bắc Kinh có thể triển khai "các lực lượng thích hợp" để bảo vệ nhân viên cùng dự án của nước này ở Solomon, đồng thời quần đảo này có thể yêu cầu Bắc Kinh điều động cảnh sát vũ trang, binh sĩ và lực lượng hành pháp Trung Quốc tới để thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo hoặc an ninh.
Mỹ và Úc bày tỏ lo ngại về hiệp ước trên. Hai quốc gia này từ lâu lo ngại khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở Nam Thái Bình Dương. Bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của Trung Quốc ở Thái Bình Dương đều có thể buộc Mỹ và Úc phải thay đổi phương án quân sự trong khu vực.