“Luật quy định chi 2% ngân sách cho KH&CN, mức này vẫn thấp. Thế nhưng, nhiều địa phương lại không chi hết do không có nhiều NCKH. Trong khi đó, các trường đại học, nơi sáng tạo nhất, có nhiều nghiên cứu nhất và cũng là nơi tạo ra các thế hệ nhà nghiên cứu đầy tiềm năng, lại chưa được đầu tư xứng đáng. Đây là vấn đề cần sớm được tháo gỡ để thúc đẩy hoạt động KHCN trong các trường đại học” - PGS.TS Vũ Văn Tích nói.
Thúc đẩy từ chính sách
Nhìn nhận các chính sách và cơ chế tài chính mở đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy hoạt động KHCN trong nhà trường, ThS Nguyễn Thị Anh Thư - Phó Trưởng phòng KHCN (Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM) nêu quan điểm: Để thúc đẩy hoạt động KHCN phát triển ngoài chính sách, cơ chế tài chính thì không gian hoạt động khoa học đóng vai trò quan trọng.
“Hiện trường có 7 nhóm nghiên cứu mạnh cùng số lượng đăng ký NCKH cấp trường của giảng viên tăng vọt (70 - 80 đề tài so với con số 20 - 30 các năm trước). Sự tăng trưởng trên đến từ lộ trình và cơ chế tài chính hỗ trợ mạnh mẽ của nhà trường mấy năm qua.
Trước đây đề tài khoa học cấp trường chỉ được hỗ trợ khoảng 100 triệu đồng nay tăng lên 150 triệu. Ở Vườn ươm, mức hỗ trợ là 100 triệu đồng/đề tài, nay cũng tăng lên 150 triệu đồng. Còn với đề tài cấp Bộ, của các nhóm nghiên cứu mạnh, ngoài chi phí theo quy định, nhà trường hỗ trợ thêm từ 400 - 500 triệu đồng/đề tài…. Chính điều đó đã thúc đẩy hoạt động KHCN, nghiên cứu trong nhà trường phát triển” - ThS Nguyễn Thị Anh Thư thông tin.
Nhìn nhận cơ chế tự chủ ở các trường công lập đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy hoạt động NCKH, chuyển giao thành tựu KHCN, theo PGS.TS Vũ Hải Quân, thời gian qua, dù luôn dành ưu tiên cho phát triển giáo dục và KHCN, tuy nhiên đầu tư của Nhà nước còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực.
PGS.TS Vũ Hải Quân nhìn nhận: Sự đầu tư là có nhưng quan trọng hơn là tính hiệu quả trong các hoạt động KHCN chưa đạt được như mong đợi. Để tăng hiệu quả đầu tư cho NCKH trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, ông kiến nghị cần sớm có cơ chế chính sách đột phá trong phân bổ ngân sách KHCN.
Cụ thể, để thoát khỏi cơ chế chính sách tài chính eo hẹp dành cho hoạt động khoa học công nghệ tại các trường công lập, Nhà nước, Bộ GD&ĐT cần sớm quy hoạch dự báo nguồn nhân lực KHCN đến 2030, tầm nhìn 2045 theo hướng tăng quy mô, cập nhật mới chương trình đào tạo các nhóm ngành KHCN. Bên cạnh đó, sớm triển khai chính sách đặt hàng đào tạo; phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài.
Song song với đó, sớm ban hành cơ chế đột phá trong đặt hàng, khoán theo sản phẩm, khen thưởng KHCN. Xây dựng bộ chỉ số đánh giá. Từ đó thường xuyên rà soát kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của các viện nghiên cứu, đại học, làm căn cứ điều chỉnh việc phân bổ ngân sách hàng năm.