Do đó sẽ không có chuyện nước chủ nhà mạnh nội dung nào thì đưa vào thi đấu và cắt bỏ thế mạnh của các đoàn thể thao khác. Ở kỳ đại hội này, các đoàn sẽ thi đấu sòng phẳng ở tất cả các nội dung. Vì vậy, việc cạnh tranh giành huy chương và thứ hạng trên bảng tổng sắp sẽ rất quyết liệt. Không có chuyện nước chủ nhà hơn các nước khác hơn tới 70-80 HCV”.
Tổ chức SEA Games 31 theo khẩu hiệu “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” cho thấy được sự thay đổi về tư duy của Việt Nam tại đại hội thể thao khu vực. Nếu làm tốt công tác tổ chức trong năm nay đây sẽ là tiền đề tốt để nâng cao chất lượng thể thao của Đông Nam Á trong tương lai.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của tương lai còn hiện tại, bản thân Thể thao Việt Nam cũng có những khó khăn và hạn chế của mình cả về con người lẫn tài chính. Mặc dù luôn nằm trong tốp 3 đoàn thể thao mạnh nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng khi tranh tài ở châu lục và thế giới các vận động viên của Việt Nam dù “làm mưa làm gió ở khu vực” vẫn còn kém xa trình độ tại Olympic. Vì thế mới có chuyện chúng ta trắng tay tại Olympic Tokyo 2020 và một số kỳ Olympic trước đó.
Trong cuộc phỏng vấn với VOV.VN sau thất bại của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh chỉ ra rằng: “Sự việc này là tổng hòa của nhiều vấn đề mà trong đó vẫn là tổ chức huấn luyện. Vấn đề nữa là xã hội hóa, bởi tiền để đầu tư cho thể thao thành tích cao của Việt Nam là tiền từ Chính phủ. Ở đây bao gồm Chính phủ Trung ương và chính quyền các địa phương. Ngân sách cho thể thao bao giờ cũng rất thấp.
Trong khi đó, các nước khác xã hội hóa thể thao, huy động nguồn lực của xã hội. Các Liên đoàn lấy tiền của xã hội để làm và trở thành hệ thống từ nhiều năm, thậm chí có nước hàng trăm năm, họ tập trung đầu tư chứ không phụ thuộc Chính phủ. Đầu tư ngân sách không đủ vì tiền của Chính phủ còn phải lo những vấn đề quan trọng hơn của đất nước thì không thể nào có tiền là đủ cho thể thao, do đó phải xã hội hóa thể thao”.
Sau mỗi thất bại của Thể thao Việt Nam, người ta lại mổ xẻ thất bại và đặt nhiều câu hỏi nghi vấn rằng liệu Việt Nam đã đầu tư đúng và trúng chưa, đặc biệt là sau bài học xương máu từ trường hợp của Nguyễn Thị Ánh Viên.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho rằng: “Việt Nam là đang đầu tư trọng điểm, chúng ta đi đúng đường lối là đầu tư trọng điểm bởi ít tiền nên phải chọn người giỏi, thế nhưng không đủ lực để làm rộng. Chúng ta không đủ lực để nâng cao trình độ, chứ không phải là không đầu tư trọng điểm.
Chiến lược của chúng ta là tập trung vào một số nội dung và một số vận động viên, nhưng trên thực tế là chỉ được mấy trăm vận động viên nên không ăn thua. Thứ hai, quan trọng nhất là chúng ta không đủ sức để nâng cao trình độ trong suốt quá trình huấn luyện để vận động viên nâng cao thành tích”.
Rõ ràng để gặt hái được thành công trong thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao thì dù có hạt giống tốt mà không đủ điều kiện để chăm sóc mà ở đây chính là có nhiều tiền đầu tư và không kiên trì thì rất khó để thành công. Thể thao Việt Nam đạt được những mốc son lịch sử trong những năm qua, nhưng đó chỉ là những thành tích mang tích đột biến, dựa trên sự đầu tư hạn chế và sự phi thường của các vận động viên.
Muốn loại được yếu tố “kỳ tích” sang một bên để gặt hái được những thành công bền vững thì Việt Nam phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho thể thao. Có lẽ, khi nào các vận động viên đỉnh cao không phải đi chạy grab, đi làm thêm để theo đuổi đam mê thể thao. Khi nào mà những người đã mang vinh quang về cho đất nước ở các cuộc thi không bị “lãng quên” khi giải nghệ thì chúng ta mới tiến được gần hơn với các nền thể thao phát triển. Tất nhiên, để có một nền thể thao phát triển thì kinh tế của đất nước đó cũng phải lớn mạnh./.