Cần công bằng, cạnh tranh lành mạnh
Thực tế cho thấy, hình thức thi tuyển chức danh hiệu trưởng, hiệu phó đã và đang được nhiều địa phương áp dụng. Mới đây, UBND TP Hà Nội chính thức thông báo tổ chức thi tuyển gần 40 hiệu trưởng và 1 trưởng phòng GD&ĐT. Với chính sách này, nhiều người kỳ vọng, giáo dục của TP Hà Nội sẽ có những luồng gió mới đến từ những nhân tố mới.
Hoan nghênh chính sách tuyển dụng chức danh hiệu trưởng, TS Nguyễn Tùng Lâm - nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) - cho rằng: Chính sách này sẽ phát huy được vai trò tự chủ và dân chủ trong giáo dục, đồng thời tìm được lãnh đạo tài năng, có phẩm chất tốt. Họ sẽ là nhân tố mới đáp ứng yêu cầu phát triển của mỗi nhà trường và đổi mới giáo dục.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT – cho hay: Từ trước đến nay, hầu hết các địa phương vẫn làm theo cách cũ. Tức là, quy hoạch rồi bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó. Khi đã bổ nhiệm lãnh đạo rồi hầu như những cán bộ này sẽ mãi đảm nhận vị trí đó. Nếu có thay đổi cũng chỉ là sự luân chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác...
Hình thức này khó tránh khỏi tình trạng “thân quen” hoặc sống “lâu lên lão làng”. Thậm chí, có những người trở nên quan liêu, công thần, ngại đổi mới. Do đó, không mang lại hiệu quả trong giáo dục, nhất là chúng ta đang thực hiện đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 29; trong đó có việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Xuất phát từ thực tiễn khách quan, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, nhiều địa phương tổ chức thi tuyển công khai để chọn hiệu trưởng là việc đáng hoan nghênh. Chính sách này sẽ tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh giữa các cán bộ, giáo viên; từ đó tạo động lực để họ phấn đấu trong nghề nghiệp. Quan trọng hơn, chúng ta sẽ chọn được người có trình độ và năng lực, có phẩm chất, đạo đức để phát triển nhà trường, rộng hơn là nâng cao chất lượng giáo dục.
“Theo tôi, các địa phương nên có đánh giá tác động, rút kinh nghiệm để có thể nhân rộng” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ trao đổi, đồng thời lưu ý, việc này cần được thực hiện khách quan, minh bạch ở các khâu trong công tác tổ chức, nếu không sẽ trở thành hình thức và phản tác dụng.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, chính sách đã tốt rồi, việc còn lại là thực thi như thế nào để bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tạo được niềm tin cho cán bộ, giáo viên và trong dư luận xã hội. Vì thế, việc đầu tiên là, nhân sự tham gia ứng tuyển phải xây dựng được đề án chiến lược phát triển nhà trường. Trong quá trình tổ chức, đặc biệt là khâu thẩm định hồ sơ, đề án và chấm điểm phải thực sự công tâm. “Chúng ta tổ chức thi tuyển để tìm người tài – những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo và dám chịu trách nhiệm, chứ không phải thi tuyển để tìm chức danh hiệu trưởng hay hiệu phó” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.