Thiếu giáo viên dạy Ngoại ngữ, Tin học theo lộ trình

Đức Trí | 24/08/2022, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Theo lộ trình triển khai Chương trình GD phổ thông 2018, từ năm học 2022–2023 môn Ngoại ngữ và Tin học là môn học bắt buộc từ lớp 3.

thieu giao vien ngoai ngu
Nhiều địa phương thiếu nhiều giáo viên Tiếng Anh.

Thiếu hàng nghìn giáo viên Tiếng Anh, Tin học

Quá trình chuẩn bị triển khai dạy học Tiếng Anh, Tin học bắt buộc ở lớp 3 cho thấy nhiều địa phương những năm gần đây đã tập trung tuyển dụng và đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên. Các địa phương cũng tiếp tục thực hiện công tác tuyển dụng, điều chuyển, bồi dưỡng đội ngũ để bảo đảm tổ chức dạy học Ngoại ngữ và Tin học theo CT GDPT 2018.

Cơ sở vật chất phục vụ dạy học cũng được chú trọng. Phòng máy tính, thiết bị dạy học phục vụ môn Tin học cơ bản bảo đảm được cho khoảng 70% số trường, lớp, học sinh theo CT GDPT 2018. Riêng thiết bị dạy học môn Tiếng Anh đảm bảo cho gần 100% các trường. Số còn thiếu phải bổ sung cơ bản nằm trong khả năng đầu tư của các địa phương mà không gặp khó khăn quá lớn.

Các địa phương cũng tích cực triển khai dạy học Tiếng Anh và Tin học chuẩn bị cho việc thực hiện chính thức năm học 2022–2023. Hiện cả nước có 92,98% học sinh được học tiếng Anh lớp 3, 4, 5. Việc tổ chức dạy môn Tin học tự chọn đạt xấp xỉ 70%. Đây là cơ sở bảo đảm việc đưa môn Tin học và Ngoại ngữ bắt buộc vào CT GDPT 2018 bảo đảm khả thi.

Tuy nhiên bên cạnh thuận lợi thì Sở GD&ĐT các địa phương cũng cho biết giáo dục Tiểu học còn nhiều khó khăn về điều kiện triển khai Tiếng Anh, Tin học bắt buộc.

Theo Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), số lượng giáo viên trên cả nước còn thiếu nhiều để có thể bố trí dạy học môn Tiếng Anh và Tin học từ năm học 2022-2023. Trong đó, Tiếng Anh thiếu 3605 giáo viên. Nếu các địa phương thực hiện biện pháp ưu tiên giáo viên tập trung cho dạy Tiếng Anh lớp 3 năm học 2022 – 2023 thì số lượng thiếu tính bình quân cả nước tạm tính khoảng 500 người. Số giáo viên còn thiếu môn Tin học là 4.401/13.900 (chiếm 31,7% số lượng giáo viên hiện tại).

Cũng theo thống kê của Vụ giáo dục Tiểu học, một số địa phương thiếu nhiều giáo viên triển khai Ngoại ngữ và Tin học ở năm học 2022 – 2023 có thể kể tới: Sơn La thiếu 153 giáo viên tiếng Anh, số trường chưa dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 là 110/244 trường (chiếm 45,1%); thiếu 136 giáo viên Tin học, số trường chưa dạy làm quen tin học cho học sinh lớp 3 là 166/244 trường (chiếm 68%).

Sở GD&ĐT Hà Giang cũng cho biết thiếu 93 giáo viên tiếng Anh và 77 giáo viên Tin học cho năm học 2022–2023; Bình Phước thiếu 97 giáo viên tiếng Anh và 114 giáo viên Tin học cho năm học 2022–2023…

Nguyên nhân tuyển dụng giáo viên khó khăn được chỉ ra: Không có giáo viên để tuyển dù có chỉ tiêu; không có giáo viên đủ điều kiện theo quy định tốt nghiệp Đại học của Luật Giáo dục mới; chỉ tiêu biên chế nhiều nơi đã tuyển đủ và không còn chỉ tiêu cho giáo viên môn Tiếng Anh và Tin học.

Mặt khác, các trường có nhiều điểm trường và các điểm lẻ cách xa nhau cũng gây khó khăn cho công tác bố trí giáo viên dạy học. Trình độ giáo viên không đồng đều; trình độ đào tạo chưa đạt chuẩn, số giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành giáo viên Tin học chiếm tỉ lệ rất thấp, chủ yếu là đối tượng giáo viên có trình độ trung cấp, cao đẳng hoặc số ít là đại học CNTT được bồi dưỡng chứng chỉ sư phạm.

Dạy Tiếng Anh, Tin học bắt buộc: Thách thức lớn nhất là giáo viên ảnh 1
Tin học trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 đòi hỏi các địa phương tuyển dụng đủ giáo viên triển khai.

Về cơ sở vật chất, số phòng máy tính hiện có, nhiều nơi đã xuống cấp, lạc hậu. Hệ thống hạ tầng CNTT, mạng internet một trong những điều kiện dạy học môn Tin học chưa đồng bộ. Một số nơi không chỉ thiếu máy tính, hạ tầng mạng mà còn thiếu phòng học, thiếu đất xây phòng để có phòng máy tính dạy học.

Đáng lo ngại hơn, nhiều địa phương vẫn chưa thực sự quyết tâm, nỗ lực tìm các giải pháp và linh hoạt để triển khai môn học, còn tư tưởng chờ đợi chỉ đạo từ cấp trên.

Đảm bảo điều kiện triển khai cách nào?

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, TS Thái Văn Tài cho rằng để bảo đảm dạy học Tiếng Anh, Tin học bắt buộc theo CT GDPT 2018 từ năm học 2022–2023 các địa phương cần tiếp tục áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt, khả thi.

Cụ thể như, phải thực hiện rà soát, cân đối, bố trí, sắp xếp số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập phù hợp với nhu cầu dạy và học, đặc biệt ưu tiên bố trí biên chế cho các khối, lớp áp dụng CT GDPT 2018;

Tiếp tục thực hiện Đề án sắp xếp lại trường, lớp học; dồn ghép điểm trường lẻ cấp tiểu học để đảm bảo tiết kiệm biên chế giáo viên và tận dụng cơ sở vật chất, trường, lớp học để đảm bảo chất lượng giảng dạy nói chung và giảng dạy đối với các khối, lớp thực hiện CT GDPT 2018.

Trong xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành giáo dục từ năm 2021 đến 2025, cần ưu tiên tuyển dụng, tiếp nhận giáo viên Tiếng Anh, Tin học tiểu học. Thực hiện tuyển dụng mới trong năm 2022 và các năm tiếp theo đối với giáo viên đang hợp đồng lao động tại các trường tiểu học; bố trí, ưu tiên để giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn được đi đào tạo nâng trình độ chuẩn trước khi tuyển dụng.

Các địa phương cũng cần thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên nói chung và giáo viên Tiếng Anh, Tin học trong biên chế theo quy định tại Nghị định số 71. Thực hiện Kế hoạch bồi dưỡng giáo viên Tin học theo quy định tại Quyết định số 2453 của Bộ GD&ĐT.

Vụ Giáo dục Tiểu học cũng chỉ ra, nếu không tuyển dụng đủ giáo viên Tiếng Anh và Tin học cấp tiểu học, cần thực hiện cân đối, biệt phái, bố trí, điều chuyển hoặc cử giáo viên 2 môn học này cấp THCS thuộc địa bàn huyện, thành phố tham gia giảng dạy tại các trường tiểu học hoặc bố trí giáo viên có thể thực hiện dạy tại một số trường trên cùng địa bàn có khoảng cách địa lý phù hợp.

Dạy Tiếng Anh, Tin học bắt buộc: Thách thức lớn nhất là giáo viên ảnh 2
Các địa phương cần áp dụng nhiều giải pháp để đảm bảo điều kiện dạy học Tiếng Anh, Tin học bắt buộc từ lớp 3.

Khi chưa thể bố trí đủ giáo viên môn Tiếng Anh và Tin học tại các trường tiểu học, sẽ tổ chức bố trí dạy học trực tuyến trong phạm vi các lớp 3 của một trường hoặc nhiều trường hoặc cho học sinh học theo các video bài học đã được Bộ GD&ĐT biên soạn, cấp phép và ban hành. Đối với môn Tiếng Anh, có thể thực hiện giải pháp học trên truyền hình với sự hỗ trợ của giáo viên nhà trường, phụ huynh.

Đặc biệt, cần đặt hàng cơ sở đào tạo để đào tạo giáo viên Tiếng Anh, Tin học, đảm bảo bố trí đủ thực hiện CT GDPT 2018. Tuyên truyền, khuyến khích, có chính sách phù hợp để bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với những người đã tốt nghiệp trình độ đại học chuyên ngành Tiếng Anh hoặc Tin học có nguyện vọng trở thành giáo viên dạy tiểu học. Thực hiện việc ký hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng và khuyến khích giáo viên nghỉ hưu tiếp tục hợp đồng giảng dạy phù hợp với nhu cầu từng trường.

Việc triển khai dạy Tin học, Ngoại ngữ là môn học bắt buộc từ lớp 3 theo CT GDPT 2018 từ năm học 2022- 2023 cho thấy thiếu giáo viên là thách thức lớn nhất.

Để bảo đảm thực hiện đúng lộ trình, chất lượng triển khai CT GDPT 2018, Vụ Giáo dục Tiểu học đề xuất: Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, xây dựng phương án cụ thể, chi tiết đảm bảo 100% học sinh được học Tin học, Tiếng Anh theo lộ trình (năm học 2022-2023 đối với lớp 3; 2023-2024 đối với lớp 3, 4; 2023-2024 đối với lớp 3, 4, 5).

Nhóm giải pháp chính là: Tăng cường số lượng giáo viên; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; Tăng cường các hình thức dạy học; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách đối với giáo viên Ngoại ngữ và Tin học bao gồm: loại hình, vị trí, nhiệm vụ, chương trình đào tạo...

Bài liên quan
Đức thiếu giáo viên trầm trọng
Liên minh Khoa học và Giáo dục Đức (GEW) mới đây cảnh báo các trường học, nhà trẻ ở Đức phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, gây bất bình đẳng trong khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiếu giáo viên dạy Ngoại ngữ, Tin học theo lộ trình