Bên cạnh đó, vị này cho rằng rất khó để tính giá thành chăn nuôi lợn. Điều này xuất phát từ thực trạng chăn nuôi ở nước ta chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ với hàng triệu hộ chăn nuôi, năng suất chăn nuôi còn thấp.
Ngoài ra, khoảng 80% thịt lợn được bán tại các chợ truyền thống. Do đó, việc áp dụng chính sách tính toán giá thành, hỗ trợ nguồn vốn dự phòng hay can thiệp vào giá là điều rất khó khăn.
"Không chỉ vậy, để thực hiện chính sách bình ổn giá đối với hàng hóa như thịt lợn thì cần nguồn kinh phí khá lớn, trong khi ngân sách đang rất khó khăn. Trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá", bà Nguyễn Thị Kim Anh cho biết.
Tổng kết lại, danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi), gồm: Xăng, dầu thành phẩm; khí dầu mỏ hóa lỏng; sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; thóc tẻ, gạo tẻ; phân đạm; phân DAP; phân NPK; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; thuốc bảo vệ thực vật; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Chính phủ đã giao Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội. Dự kiến Quốc hội biểu quyết thông qua dự luật này vào ngày 19/6.