Thực đơn cho bữa ăn bán trú 27.000 đồng

Thúy Hằng | 27/10/2022, 06:42
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Thực đơn có canh, món mặn và nếu cam đắt thì thay bằng nước chanh, nước tắc; một trái chuối có khi chia đôi... là cách các trường tính bữa ăn bán trú.

Do không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức bếp ăn bán trú tại chỗ nên Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn học sinh. Bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay đơn vị cung cấp suất ăn phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm. Bữa cơm trưa hằng ngày của trường bao gồm cơm, canh, rau xào, món mặn và thực đơn thay đổi hằng tuần, trong đó cố định thứ sáu có mì Ý, cơm tấm, pizza…

Với mức thu tiền ăn 40.000 đồng/ngày gồm bữa trưa và xế, lãnh đạo trường này cho biết có sự thỏa thuận với phụ huynh. Sau dịch bệnh, vật giá leo thang, bà Trang cho hay bên cung cấp đề cập đến chuyện tăng giá suất ăn nhưng trường luôn phải giải thích, phải ráng theo mặt bằng chung.

'Căng não' với bữa ăn bán trú 27.000 đồng - ảnh 2
Bữa ăn của học sinh Trường mầm non 2.9 (H.Hóc Môn, TP.HCM) gồm canh khoai tím và món mặn là tôm tươi xào bắp non với giá 28.000 đồng/ngày gồm cả bữa xế. Bích Thanh

Tăng cường kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất

Đề cập đến cơ chế giám sát và nguồn thực phẩm, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo cho hay ngoài việc phụ huynh được tham gia vào quá trình giám sát dinh dưỡng, vệ sinh thì nhà trường giao phó hiệu trưởng cùng bộ phận y tế, cấp dưỡng kiểm tra thực phẩm đầu vào. Nhà trường ký hợp đồng cung ứng thực phẩm với các đơn vị được công bố đủ điều kiện cung cấp trên hệ thống của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.

Theo ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, trong kế hoạch công tác y tế trường học, Sở đã có những chỉ đạo và những quy định cụ thể về đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm khi tổ chức bữa ăn bán trú. Theo đó, người đứng đầu cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm kiểm soát, đảm bảo thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn và cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căng tin trong trường học an toàn theo quy định, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nhà trường phải xây dựng kế hoạch cụ thể phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh trong công tác giám sát quá trình chế biến, tiếp phẩm cũng như giá thành của từng bữa ăn của học sinh hằng ngày. Thường xuyên giám sát cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp. Tổ chức kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân viên, bảo mẫu thực hiện công tác cấp dưỡng, ăn uống cho học sinh trong các căng tin, bếp ăn tập thể…

Bên cạnh đó, Sở sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong các trường học với các hình thức như tự kiểm tra, thành lập các đoàn kiểm tra ở cấp quận, huyện, tăng cường kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất.

Bữa ăn lấy trẻ làm trung tâm

Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết thời gian qua Sở đẩy mạnh phong trào xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Mỗi bữa ăn cung cấp dinh dưỡng, năng lượng cho các bé, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, và đồng thời từ bữa ăn ở trường học cũng dạy trẻ nhiều bài học rất quan trọng. Với phương châm “lấy trẻ làm trung tâm”, các cô giáo là người quan sát, hướng dẫn cho trẻ rèn sự tự lập, kỷ luật khi các con biết xếp hàng, biết tự gắp thức ăn. Các con được học, rèn kỹ năng tự xúc ăn, biết cùng bạn bè dọn bàn ăn, lấy chén muỗng, biết trang trí bàn ăn sao cho đẹp mắt, lấy thức ăn gọn gàng... Từ đó trẻ mầm non sẽ học được kỹ năng tự phục vụ. Với bữa trưa ở các trường mầm non, khi thực phẩm được trang trí bắt mắt, trẻ được ăn cùng nhau, ăn đúng giờ, vừa ăn vừa giao tiếp với bạn đồng trang lứa, ăn xong dọn dẹp cùng bạn…; trẻ có được niềm vui trong giờ ăn, không phải ăn trong áp lực.

Theo bà Hồng Điệp, hiện nay ở TP.HCM có nhiều trường mầm non cho trẻ đánh giá bữa ăn ở trường như món ăn có ngon, giờ ăn có vui, con có thích các món ăn không… bằng cách dán các hình trái tim hay ngôi sao trên một cái cây. Từ đó, các cô đầu bếp, thầy cô ở trường sẽ biết các bữa ăn được các bé đánh giá như thế nào, dựa vào đó xây dựng bữa ăn hiệu quả về cả chất lượng, hình thức, không khí trong giờ ăn… để trẻ luôn cảm nhận được mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Trường công trung bình tiền ăn 30.000 đồng/ngày

Khảo sát tại nhiều trường tiểu học, THCS công lập tại các quận ở TP.HCM cho thấy trung bình tiền ăn bán trú là 30.000 đồng/ngày (gồm bữa trưa, xế). Một số trường thì khoản tiền này bao gồm cả nước uống. Anh Nguyễn Minh Tâm, phụ huynh có con học lớp 3 Trường quốc tế AES ở Q.8, TP.HCM cho biết đóng 24 triệu đồng tiền ăn trong 1 năm (10 tháng), tính ra mỗi ngày ăn 120.000 đồng.

Theo thanhnien.vn
https://thanhnien.vn/cang-nao-voi-bua-an-ban-tru-27000-dong-post1514579.html
Copy Link
https://thanhnien.vn/cang-nao-voi-bua-an-ban-tru-27000-dong-post1514579.html
Bài liên quan
Những sai lầm khi đăng ký chương trình hè bán trú
(GDTĐ) - Trẻ được nghỉ hè hoặc chuẩn bị bước vào năm học tới khi trường mở kí túc xá nội trú là nỗi lo lắng của nhiều cha mẹ. Vì vậy, không ít phụ huynh đã cấp tốc tìm trại hè để con được tập dượt trước.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực đơn cho bữa ăn bán trú 27.000 đồng