Cô Khanh cho biết: Khó khăn khi tổ chức những lớp học kết nối với giáo viên, trường lớp nước ngoài chính là sự trái ngược nhau về thời gian, thời tiết. Nhiều khi đầu cầu Việt Nam đã chuẩn bị xong kỹ thuật, lớp học… nhưng bên nước ngoài thời tiết xấu khiến không thể kết nối. Cùng đó, múi giờ của học sinh Việt Nam lệch so với thế giới nên để mời được giáo viên và các lớp học nước ngoài, nhà trường phải đổi thời gian các tiết học của học sinh cho tương đồng.
Đặc biệt, về mặt nội dung kiến thức bài học của học sinh Việt Nam và thế giới lệch nhau nên mỗi khi tổ chức, cô Khanh phải lên kế hoạch sớm, soạn giáo án riêng rồi trao đổi, đưa ra chủ đề yêu cầu với giáo viên nước ngoài, cùng nhau rút ra vấn đề cần truyền tải trong tiết học…
“Các tiết học kết nối không biên giới được tổ chức miễn phí, là hoạt động chuyên môn mà giáo viên các nước cùng tham gia, hỗ trợ cho học trò học tập tiếng Anh hiệu quả. Tuy nhiên, muốn tổ chức thành công giáo viên nhất định phải đam mê, đặt quyền lợi học tập, được tiếp cận với phương pháp giáo dục đa dạng của học sinh lên hàng đầu…”, cô Khanh trao đổi.
Hiệu quả từ những “lớp học không biên giới”
Có thể thấy những tiết học tiếng Anh không biên giới do cô Trần Thị Mai Khanh tổ chức đã mang lại hiệu quả đang kể trong dạy học ngoại ngữ của Trường Tiểu học Bắc Cường nói riêng và thành phố Lào Cai nói chung.
Học sinh có cơ hội giao lưu, tiếp cận nhiều cách phát âm trên thế giới và Việt Nam. Khi gặp người nước ngoài hay trong nước nói tiếng Anh các em đều dễ dàng hình thành phản xạ giao tiếp, không bị bó hẹp trong một cách phát âm. Học sinh tự tin hơn và có cơ hội chia sẻ, ứng dụng kiến thức được học với bạn bè trong nước và thế giới.
Học sinh Lê Minh Vũ lớp 5A2, Trường Tiểu học Bắc Cường, chia sẻ: “Em và các bạn trong lớp rất hào hứng khi được tham gia các tiết học tiếng Anh “không biên giới”. Ban đầu, em còn bỡ ngỡ nhưng qua từng buổi học thấy tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh và có thêm kiến thức về văn hóa, con người của đất nước bạn. Em mong cô Khanh tổ chức nhiều hơn các tiết học “không biên giới” để chúng em có cơ hội được giao lưu, học hỏi với bạn bè và thầy cô trên thế giới cũng như ở Việt Nam”.
Tiết dạy học tiếng Anh kết nối mà cô Khanh tổ chức không chỉ tốt cho học sinh trên mọi mặt, mà giáo viên cũng được tiếp cận nhiều hơn với kiến thức, được tiếp xúc với đồng nghiệp, học sinh nước ngoài, nâng cao kỹ năng nghe nói, thuyết trình, xử lý các vấn đề... Nhấn mạnh điều này, cô Hoàng Thị Dung, giáo viên Trường Tiểu học Bắc Cường, trao đổi: Mỗi giáo viên thấy mình còn thiếu gì trong chuyên môn để trau dồi, trang bị thêm; chuẩn bị tốt hơn cho việc đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học và tham gia hoạt động dạy học kết nối.