Trẻ em béo phì giảm khả năng nhận thức và học tập kém

28/12/2022, 11:03
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Các nhà khoa học Yale chứng minh béo phì ở trẻ em làm mỏng vỏ não, suy giảm chất trắng... Như vậy suy nghĩ "còn nhỏ mập cũng không sao" là sai lầm.

Đây là một vấn đề gây giật mình bởi ước tính tại Mỹ hiện có đến 20% trẻ em bị béo phì. Nhiều nước khác cũng đang báo cáo tỉ lệ cao và ngày một tăng của béo phì trẻ em, một tình trạng mà các định nghĩa y học hiện đại khẳng định là một bệnh nền nguy hiểm.

Nghiên cứu giật mình từ Mỹ: Sai lầm này khiến 20% trẻ em bị ảnh hưởng não bộ - 1

Độ dày vỏ não của các vùng trước trán tỉ lệ nghịch với cân nặng và chỉ số BMI, nghĩa là cân nặng và BMI cao hơn có liên quan đến độ dày vỏ não thấp hơn - Ảnh: RSNA/Simone Kaltenhauser

Tờ SciTech Daily dẫn lời nhà nghiên cứu Simone Kaltenhause từ Trường Y khoa Yale (Mỹ), tác giả chính của công trình: "Chúng tôi biết béo phì khi trưởng thành liên quan tới sức khỏe não bộ kém. Tuy nhiên các nghiên cứu trước đây về trẻ em thường tập trung vào các nhóm nhỏ hoặc các khía cạnh đơn lẻ của sức khỏe não bộ".

Vì vậy họ đã quyết định tiến hành một nghiên cứu quy mô lớn và toàn diện hơn, sử dụng dữ liệu hình ảnh của 11.878 trẻ em từ 9-10 tuổi, thu thập từ 21 trung tâm y tế trên toàn quốc bởi Nghiên cứu Phát triển nhận thức não bộ vị thành niên (ABCD).

Nghiên cứu giật mình từ Mỹ: Sai lầm này khiến 20% trẻ em bị ảnh hưởng não bộ - 2

Hình ảnh cho thấy tính toàn vẹn của chất trắng bị suy giảm nghiêm trọng ở thể chai (corpus callosum) và các khu vực mang chức năng kết nối khác ở trẻ có BMI quá cao - Ảnh: RSNA/Simone Kaltenhauser

Sau khi loại trừ các em bé bị rối loạn ăn uống, các bệnh về thần kinh, tâm thần hay chấn thương sọ não, nhóm nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra thông tin MRI não bộ của các trẻ còn lại và phát hiện ra một điều giật mình: Ở những trẻ có chỉ số BMI cao ở mức béo phì theo tiêu chuẩn z-score xuất hiện sự suy giảm đáng kể về tính toàn vẹn của chất trắng bên trong não.

Các khu vực suy thoái bao gồm chất trắng của thể chai - con đường kết nối chính giữa hai bán cầu não - và các vùng có chức năng kết nối các thùy của não. Những thay đổi này có thể nhìn thấy từ rất sớm trong thời thơ ấu, nhà nghiên cứu chính Simone Kaltenhauser từ Trường Y khoa Yale (Mỹ) cảnh báo.

Sự giảm kết nối này tỉ lệ thuận với sự tăng của BMI: BMI càng cao, kết nối càng suy giảm.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn quan sát thấy vỏ não ở những trẻ béo phì bị mỏng đi so với trẻ khỏe mạnh, điều này có liên quan đến sự suy giảm của chức năng điều hành.

Các bằng chứng trên đã khẳng định rằng chỉ số BMI cao đến mức béo phì không chỉ liên quan đến những hậu quả về sức khỏe thể chất, mà còn liên quan rõ ràng đến sức khỏe não bộ.

Tác giả cao cấp là phó giáo sư - bác sĩ thần kinh học Sam Payabvash, cũng từ Trường Y khoa Yale, nhấn mạnh rằng các kết quả đã cung cấp một lời giải thích cơ học cho các nghiên cứu dạng quan sát trước đó, cho thấy BMI cao liên quan đến khả năng nhận thức và học tập kém.

Nghiên cứu vừa được trình bài tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội X-quang Bắc Mỹ (RSNA).

Bài liên quan
TP.HCM: Chàng trai béo phì thắng COVID-19 sau 84 ngày can thiệp ECMO
Ngày 10/11/2021, bệnh nhân V.Q.D (nam, 28 tuổi) nhiễm COVID-19, nhập Bệnh viện Dã chiến 3 tầng số 16, TP.HCM trong tình trạng suy hô hấp diễn tiến nhanh phải can thiệp thở máy xâm lấn và ECMO (oxy hoá máu màng ngoài cơ thể).

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trẻ em béo phì giảm khả năng nhận thức và học tập kém