Thời gian qua, Sở GD&ĐT Điện Biên liên tiếp tổ chức các đợt tập huấn về triển khai Chương trình GDPT năm 2018 đối với môn Tiếng Anh cấp tiểu học, THCS và THPT. Thông qua trao đổi, tháo gỡ khó khăn trong quá trình giảng dạy nhằm thống nhất, tìm ra phương pháp tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá phù hợp điều kiện và học sinh.
Mặc dù chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh, song Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Háng Lìa (huyện Điện Biên Đông) vẫn cố gắng sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện để tham gia đầy đủ các lớp tập huấn. Cô Phó Hiệu trưởng Trần Thị Vân Anh cho hay, với đặc thù mang tính vùng miền nên quá trình triển khai dạy tiếng Anh chương trình mới gặp không ít khó khăn.
“Do nhận thức, sự quan tâm của học sinh, thậm chí phụ huynh đối với môn học này chưa cao nên kết quả còn hạn chế. Ngoài ra, giáo viên của nhà trường ở trình độ cao đẳng, do vậy, bên cạnh việc ưu tiên, tạo mọi điều kiện thì chúng tôi xác định phải tích cực cho giáo viên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn. Qua đó nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm tổ chức dạy học hiệu quả”, cô Trần Thị Vân Anh trao đổi.
Đối với cô Vân Anh, hai lần tham gia tập huấn đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt là việc nắm bắt thêm nhiều phương pháp giảng dạy mới, hiệu quả; xây dựng kế hoạch bài dạy, giáo án, công tác kiểm tra, đánh giá học sinh… “Vì triển khai cùng lúc nhiều bộ sách khác nhau nên các lớp tập huấn cũng được chia thành từng nhóm tương ứng. Chúng tôi cùng nhau tìm phương án thích hợp. Tôi đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu qua những chia sẻ này”, cô Vân Anh nói.
Bên cạnh việc bố trí giáo viên tham gia đầy đủ lớp tập huấn do ngành tổ chức, nhiều trường học tại huyện Tuần Giáo còn tổ chức tốt mỗi đợt sinh hoạt chuyên đề cấp trường, liên trường. Theo Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Tuần Giáo, Cuộc đua tiếng Anh diễn ra tại trường vừa qua là hoạt động chuyên đề số 2 của cụm trường lân cận.
“Chúng tôi xác định, không chỉ tạo sân chơi cho học sinh mà thông qua hoạt động sinh hoạt chuyên môn này để nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, tập trung và khuyến khích đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Cùng với đó là tăng cường năng lực cán bộ quản lý, giáo viên, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình mới”, cô Đỗ Thị Mai Hương nói.
Theo cô Vân Anh, mỗi câu lạc bộ có từ 20 – 30 học sinh tham gia. Đây là hạt nhân hỗ trợ quá trình học, rèn luyện môn học này ở từng lớp. Thông qua hoạt động “đôi bạn cùng tiến”, “cùng nhau học tiếng Anh”…, thành viên câu lạc bộ gần như trải đều ở các lớp. Mỗi tiết học đều bố trí cho các em giao tiếp, trao đổi, hoặc hỗ trợ bạn khác cùng học.