Trường đại học dùng IELTS để ưu tiên xét tuyển cho nhiều ngành là không phù hợp?

06/04/2024, 09:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đến nay đã có gần 50 trường đại học ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó có IELTS. Theo chuyên gia, các trường đại học cần tính toán thật kỹ để đưa ra quyết định tuyển sinh chỉ bằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Nhiều trường đại học ưu tiên xét tuyển thí sinh có IELTS

Năm 2024, Học viện Quân y sẽ xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, tuyển học sinh giỏi (không quá 15% chỉ tiêu). Đối với thí sinh có kết quả học tập lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt giỏi, hạnh kiểm tốt, kết hợp với 1 trong các điều kiện: Thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba cấp tỉnh/thành phố thuộc một các môn theo tổ hợp xét tuyển; chứng chỉ tiếng Anh IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 55 trở lên; kết quả thi đánh giá năng lực SAT từ 1.068/1600 điểm trở lên; kết quả thi đánh giá năng lực ACT từ 18/36 điểm trở lên.

Với phương thức xét tuyển kết hợp năm 2024, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tuyển sinh gồm 2 nhóm đối tượng. Nhóm 1 (chiếm 50% tổng chỉ tiêu) không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, gồm thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT hoặc ACT, thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội (HSA), ĐH Quốc gia TP.HCM (APT) hoặc có điểm thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội (TSA), thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với các điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

Trường nhận hồ sơ của những thí sinh đạt SAT từ 1200 điểm, ACT từ 26 điểm, HAS từ 85 điểm, APT từ 700 điểm, TSA từ 60 điểm hoặc thí sinh có IELTS đạt từ 5.5, TOEFL iBT 46, TOEIC (4 kỹ năng: L&R 785, S 160 & W 150) kết hợp với các điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

Nhóm 2 (chiếm 30% tổng chỉ tiêu) sử dụng kết hợp điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Về điều kiện nhận hồ sơ và việc quy đổi chứng chỉ tương tự như nhóm 1.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội xét tuyển thẳng các thí sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi; học sinh các trường THPT chuyên (hoặc các trường THPT trực thuộc trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP. HCM, học sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế (gọi tắt là diện XTT2). Thí sinh chỉ được đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng xét tuyển thẳng diện XTT2.

Trường ĐH Dược Hà Nội cộng điểm khuyến khích với các thí sinh đăng ký xét tuyển có chứng chỉ IELTS từ 5.5 (cộng từ 0,25 đến 2 điểm).

Trường ĐH Y Dược (ĐH Huế) xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (đối với ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược học). Thí sinh đạt IELTS Academic 6.5 trở lên hoặc TOEFL iBT 79 trở lên hoặc TOEFL ITP 561 trở lên.

Trường đại học dùng IELTS để ưu tiên xét tuyển cho nhiều ngành là không phù hợp?- Ảnh 1.
Thí sinh tham gia ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 tại Hà Nội.

Trường ĐH Ngoại thương: Phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập THPT/chứng chỉ năng lực quốc tế dành cho thí sinh hệ chuyên, hệ không chuyên của các trường THPT. Thời gian đăng ký nguyện vọng dự kiến từ ngày 20/5 đến 17h ngày 30/5. Một trong những yêu cầu là có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển) đạt IELTS (Academic) từ 6.5 trở lên, hoặc TOEFL iBT từ 79 trở lên, hoặc có chứng chỉ Cambridge của Hội đồng Khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge (Cambridge English Qualifications) đạt từ 180 điểm trở lên, hoặc đạt từ giải Ba HSG quốc gia môn Tiếng Anh trở lên...

Học viện Phụ nữ Việt Nam chọn phương án xét điểm thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế cần đáp ứng các tiêu chí sau: Có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn đạt IELTS 5.0 trở lên, TOEFL ITP 500 trở lên, TOEFL iBT 55 trở lên, TOEIC 550 trở lên; Có điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của 2 môn khác môn tiếng Anh thuộc tổ hợp xét tuyển của Học viện đạt ngưỡng tiếp nhận hồ sơ xét tuyển theo thông báo của Học viện.

Thí sinh xét tuyển kết hợp kết quả học tập cấp THPT (học bạ) với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế cần đáp ứng tiêu chí: Có điểm trung bình chung học tập cả năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 của 2 môn khác môn tiếng Anh thuộc tổ hợp xét tuyển của Học viện từ 12 điểm trở lên (không tính điểm ưu tiên). Có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn đạt IELTS 5.0 trở lên, TOEFL ITP 500 trở lên, TOEFL iBT 55 trở lên, TOEIC 550 trở lên.

Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội xét tuyển thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, thí sinh có chứng chỉ quốc tế (dự kiến 8% tổng chỉ tiêu).

IELTS chỉ nên là một công cụ dùng để đánh giá việc sử dụng các kỹ năng ngoại ngữ

Với việc nhiều trường đại học dùng IELTS để ưu tiên xét tuyển cho nhiều ngành, theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên - thành viên Hiệp hội giáo viên giảng dạy tiếng Anh Canada cho biết việc này là không phù hợp.

Ông Nguyên cho rằng, nếu đánh giá năng lực của thí sinh chỉ dựa trên kết quả của một môn học sẽ không phản ánh được năng lực cần có để tiếp cận chuyên ngành khoa học. "Trường đại học cần nghiên cứu, tính toán thật kĩ để đưa ra quyết định tuyển sinh chỉ bằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Thiết nghĩ, các bộ phận quản lý chất lượng của nhà trường hoặc các tổ chức kiểm định phải lên tiếng vì quy định tuyển sinh của đơn vị ưu tiên xét tuyển chỉ bằng điều kiện về ngoại ngữ là không hợp lý".

Không phủ nhận vai trò của ngoại ngữ song chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng, năng lực của con người cần được đánh giá dựa trên khả năng tư duy, chính vì vậy, IELTS không phải là điều kiện duy nhất cần cho sự thành công của một học sinh.

Bên cạnh đó, tiếng Anh là một phương thức giao tiếp nên không thể sử dụng chứng chỉ IELTS để đánh giá năng lực học sinh hay biến thành một kỹ năng ưu tiên, nhất là khi trí tuệ nhân tạo hiện nay đã trở thành phương tiện hỗ trợ và có thể xóa bỏ rào cản ngôn ngữ trên toàn cầu. "Khi học môn tiếng Anh, học sinh sẽ có nhiều con đường khác nhau để phát triển khả năng nói tiếng Anh chứ không nhất thiết phải là IELTS. Chính vì vậy, khi quá tập trung vào IELTS, người học chỉ chạy đua ôn thi lấy chứng chỉ, chứ không vì mục tiêu nâng cao năng lực tiếng Anh, khả năng giao tiếp".

Ông Đặng Minh Tuấn - giảng viên Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng IELTS chỉ nên là một công cụ dùng để đánh giá việc sử dụng các kỹ năng ngoại ngữ, bao gồm: Nghe, Nói, Đọc, Viết trong thời gian ngắn hạn. Vì thế, IELTS không liên quan đến việc đánh giá khả năng chuyên môn hay năng lực của người học. "Việc ưu tiên cộng điểm, tuyển thẳng có thể dẫn tới sự méo mó, lệch lạc. Không ít phụ huynh đã đầu tư tiền bạc, thời gian cho loại chứng chỉ này mà bỏ qua việc trau dồi, phát triển các nền tảng khác".

IELTS là từ viết tắt của the International English Test System. Đây là hệ thống kỳ thi kiểm tra năng lực tiếng Anh theo chuẩn quốc tế dành cho những người không nói tiếng Anh bản địa.

Bài liên quan
Các trường y dược hàng đầu cả nước công bố mức điểm xét tuyển đại học bằng IELTS mới nhất năm 2024
Các trường y dược hàng đầu cả nước công bố mức điểm xét tuyển đại học bằng IELTS năm 2024 như thế nào?

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường đại học dùng IELTS để ưu tiên xét tuyển cho nhiều ngành là không phù hợp?