Những phòng học được xây dựng từ lâu, chủ yếu là nhà tạm, cột sắt, tường vách trát vôi vữa đã xuống cấp trầm trọng.

Bà con nhân dân thôn Sín Chải hỗ trợ san lấp mặt bằng để xây điểm trường Đồi Dù. Ảnh: T.ABà con nhân dân thôn Sín Chải hỗ trợ san lấp mặt bằng để xây điểm trường Đồi Dù. Ảnh: T.A

Trước những khó khăn trên, chính quyền xã vùng cao Hoàng Liên (thị xã Sa Pa) huy động hơn 1 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ kiên cố hoá trường lớp, đón năm học mới.

Thiếu nơi ở, nhà vệ sinh

Cách thị xã Sa Pa (Lào Cai) chưa đầy 3km nhưng đời sống kinh tế, sinh kế của người dân xã Hoàng Liên phụ thuộc vào một vụ mùa. Việc đầu tư cho trẻ học hành hay cơ sở vật chất vì thế trông chờ vào Nhà nước, nhà hảo tâm.

Ông Nguyễn Xuân Trí – Bí thư Đảng uỷ xã Hoàng Liên cho biết: Xã có khoảng 8 điểm trường của bậc học mầm non và lớp 1, lớp 2 nằm rải rác ở 8 thôn. Hầu hết phòng học tại điểm trường xây dựng từ những năm 2008 – 2012 và là nhà tạm, cột sắt, tường vách trát vôi vữa nay xuống cấp trầm trọng.

Nằm chênh vênh trên đỉnh núi ở thôn Ý Linh Hồ 1, điểm trường đội 7, Trường Mầm non Lao Chải được xây dựng từ năm 2008. Phòng học đã cũ, ẩm thấp và bị nghiêng. Dù các cô giáo đã khéo léo vẽ tranh để che đi những chỗ vách tường bong tróc nhưng vẫn lộ ra nan tre cũ và cột nhà bằng sắt đã ô xy hoá theo thời gian.

Cô Phạm Thị Dinh – giáo viên điểm trường đội 2, thôn Ý Linh Hồ 1, xã Hoàng Liên chia sẻ: “Phòng học rộng khoảng 18m2 là nơi học tập của 38 trẻ. Không có nhà vệ sinh, không có bếp, giáo viên tận dụng những xô chậu để trẻ đi vệ sinh rồi cuối ngày mang đổ”.

Bên cạnh điểm trường là căn phòng gỗ rộng khoảng 20m2, nền đất. Vách tường nhà được chắp vá bằng những tấm gỗ và tấm lợp fibro xi măng đã cũ mục đóng chồng lên nhau. Theo ông Thào Seo Tung – Phó Chủ tịch xã Hoàng Liên, đây là phòng học cũ của học sinh mầm non được tận dụng làm nhà công vụ cho các thầy cô giáo.

Anh Sùng A Toả chia sẻ niềm vui khi biết con mình sắp được học trong lớp mới khang trang hơn. Ảnh: T.A

Để trẻ có nơi học đúng nghĩa

Để cô, trò có môi trường dạy - học đáp ứng yêu cầu Điều lệ trường mầm non, Đảng uỷ, UBND xã Hoàng Liên đã huy động được hơn 1 tỷ đồng và gần 600m2 đất hiến tặng của người dân trong vùng, đồng thời kêu gọi sự giúp sức, chung tay xây dựng 3 điểm trường mầm non khó khăn nhất.

Điểm trường đội 2, thôn Ý Linh Hồ 1 được khởi công từ đầu năm 2022 với tổng kinh phí 300 triệu đồng từ nguồn huy động xã hội hoá của bà Lê Vũ Lạc Hiên (công dân xã Hoàng Liên) và nhóm thiện nguyện Nhẫn và Tâm. Công trình gồm 1 phòng học có nhà vệ sinh khép kín và 1 bếp ăn cho trẻ mầm non. Cuối tháng 4, công trình đã hoàn thiện và bàn giao lại cho địa phương.

Anh Sùng A Toả, có con 2 tuổi và 5 tuổi theo học tại điểm trường đội 2, thôn Ý Linh Hồ 1, chia sẻ niềm vui khi con sắp về trường mới: “Tôi chưa bao giờ nghĩ một ngày con được học trong môi trường khang trang như thế này. Tôi rất vui và phấn khởi, xin cảm ơn sự quan tâm của chính quyền xã và các nhà hảo tâm”.

Tương tự, điểm trường Đồi Dù, thôn Sín Chải được khởi công xây dựng trong tháng 4. Đại diện chính quyền địa phương cho hay: Công trình được xây dựng từ 200 triệu đồng của các cá nhân hảo tâm đến từ Hà Nội và 500m2 đất của người dân hiến tặng. Công trình gồm 2 phòng học và 1 phòng dành cho giáo viên, sẽ được bàn giao vào cuối tháng 5.

Phòng học cũ của các em, nay chuyển thành nhà công vụ cho giáo viên cắm bản. Ảnh: T.A

Điểm trường đội 7, thôn Ý Linh Hồ 1, đang trong kế hoạch xây dựng với tổng diện tích khoảng 200m2 (2 phòng học có nhà vệ sinh khép kín, một bếp nấu ăn cho học sinh). Công trình nhận được sự đóng góp của doanh nghiệp (695 triệu đồng) và khoảng 30m2 diện tích đất hiến tặng của người dân trong thôn. “3 điểm trường này của xã Hoàng Liên sẽ hoàn thiện trong tháng 8 để đón trẻ vào năm học 2022 - 2023”, ông Thào Seo Tung cho hay.

Cô Phạm Thị Dinh chia sẻ: “Phòng học mới khang trang kiên cố, có công trình phụ khép kín, bếp nấu ăn. Diện tích phòng học rộng hơn, tôi đã lên kế hoạch trang trí và sắp xếp trang thiết bị học tập. Cả cô và trò đều háo hức chờ năm học mới”.

Những điểm trường đã nhận bàn giao, giáo viên và nhà trường sẽ trang trí lớp theo quy định. Còn điểm trường chưa nhận bàn giao, nhà trường sẽ cố gắng kết hợp cùng nhà hảo tâm và nhân dân đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thiện trước năm học mới. Chia sẻ thông tin trên, cô Vũ Thanh Lợi - Hiệu trưởng Trường Mầm non Lao Chải đồng thời trăn trở: Hầu hết điểm trường có tường rào bằng thép B40 cũ. Vì chưa có kinh phí xây dựng nên nhà trường sẽ tận dụng, huy động phụ huynh học sinh cùng tham gia sơn và dựng lại bảo vệ diện tích đất theo quy định.

“Điểm trường đội 2, vì diện tích sân quá hẹp, chúng tôi không thể bố trí được đồ chơi ngoài trời cho trẻ theo quy định. Ngoài ra, phòng học ở điểm trường Đồi Dù theo dự kiến xây dựng chưa có nhà vệ sinh, trẻ mầm non phải đi vệ sinh nhờ bên trường tiểu học. Điểm trường đội 7 hiện giáo viên cắm bản sinh hoạt khá khó khăn, nhưng vẫn chưa có kinh phí xây dựng phòng công vụ. Hơn nữa, điểm trường này khá xa trung tâm, đường lên dốc thẳng đứng, vận chuyển vật liệu lên điểm trường này rất khó khăn. Mùa mưa sắp đến, Sa Pa thường xuyên có lũ quét, không biết có kịp xong để đón trẻ vào đầu năm học mới hay không”, Hiệu trưởng nhà trường lo lắng.

Chúng tôi đã huy động và kết nối những nhà hảo tâm, cùng sự đồng lòng của chính quyền địa phương và bà con nhân dân xây dựng 3 điểm trường mầm non khó khăn nhất. Mong các cháu có mái trường kiên cố, khang trang hơn để học tập. Bố mẹ vì thế có thể yên tâm phát triển kinh tế. - Ông Nguyễn Xuân Trí - Bí thư Đảng uỷ xã Hoàng Liên
Bài liên quan
Triển khai Chương trình mới ở Điện Biên: Chuyển biến tích cực ở vùng khó
Nhìn những học trò người Hà Nhì, người Mông… tự tin, chủ động trong hoạt động học tập, cô Bùi Thị Huê lại thêm phấn khởi.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường mới cho em