Truyện ngắn 'Phục sinh một tâm hồn' của Lạc Ý

Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Truyện ngắn 'Phục sinh một tâm hồn' của Lạc Ý - giáo viên Trường THPT Lương Tài, huyện Lương Tài, Bắc Ninh.

Quá khứ có cậu học trò nhỏ - đã bị cha mình dìm chết ước mơ đầu đời trên chiếu bạc.

Trịnh Văn - Văn - cậu học trò có cặp mắt trong veo, cái cách mà em bước vào cuộc đời tôi rất lạ. Năm lớp 10, khi học truyện cổ tích “Tấm Cám”, Văn giơ tay phát biểu:

- Thưa cô, mụ dì ghẻ không độc ác, đó là một người mẹ hết lòng vì con, chỉ có điều cách yêu đó cực đoan và chưa đúng đường! Bản năng của người mẹ là tình yêu dành cho máu thịt của mình.

Nói xong, khuôn mặt Văn đỏ lựng, mắt long lanh, đôi tròng đen ngân ngấn, cả lớp đổ dồn về phía em, ngơ ngác. Có gì đó như vỡ ra trong tôi. Liệu người lớn có nên áp đặt con trẻ bằng lối răn dạy giáo điều không? Tại sao Văn lại yêu mụ dì ghẻ đến vậy?

Băn khoăn ấy đã đưa tôi đến nhà Văn. Một ngôi nhà rúm ró trong góc khuất nẻo của làng quê bình yên, chưng ra cái vẻ thiếu thốn đến tội nghiệp. Xộc vào khứu giác là mùi rượu chua lòm, chỗ tối chỗ sáng và bốn cái lưng trần chúi đầu vào cỗ bài. Thấy tôi, một giọng lè bè cất lên:

- Ai? Đến có việc gì?

- Tôi là giáo viên chủ nhiệm của cháu Văn.

- Về đi, hôm nay thằng này bận, miễn tiếp khách...

Sau chuyến thăm nhà học sinh nhớ đời ấy, tôi mới biết, Văn là đứa con người vợ thứ hai. Bố Văn vốn là một kẻ cờ bạc, nát rượu, người vợ đầu sau những trận đòn tím mặt bầm da mà vẫn gắng hàn gắn gia đình nhưng không thành, đã dứt áo ra đi để lại đứa con gái 5 tuổi èo uột. Mẹ Văn vốn là người đàn bà cứng tuổi, hiếm nhan sắc, gá với người đàn ông này để mong có mụn con cho tuổi già nương bóng. Ngày ngày, dù phải hứng chịu cơn khát bạc của chồng nhưng bà vẫn tần tảo chăm con mình, con chồng…

Văn từ nhỏ đã là đứa trẻ ham học, ham làm, yêu mẹ hơn tầm vóc của một đứa trẻ. Còn với bố, nó sợ hơn là yêu! Có lần tôi hỏi:

- Mai này, em tính thi vào trường nào?

Nhìn thẳng vào mắt tôi, em trả lời đầy vẻ tự hào:

- Thưa cô, em thi vào học viện cảnh sát.

Tôi chỉ nắm chặt những ngón tay xanh gầy của em và nói:

- Vậy em phải chịu rèn luyện sức khỏe và chăm chỉ học nhé! Cô tin, em sẽ thành công.

Đêm mùa Hạ, ánh trăng treo chênh chếch phía trời xa. Bài vở xong, tôi không tài nào ngủ được. Nghĩ đến căn nhà và người đàn ông trên chiếu bạc, nghĩ đến ước mơ của cậu học trò nhỏ, tôi bắt đầu hoảng sợ.

Tôi nghĩ đến Chiêu, người anh mà tôi luôn ngưỡng mộ, yêu mến khi còn nhỏ. Sáng hôm sau, tôi thu xếp công việc sang công an huyện nhờ anh khuyên giải bố Văn, nói với ông ta biết ước mơ của con trai mình.

Anh tiếp tôi tại phòng làm việc, người đàn ông tầm thước, mái tóc cắt cao khỏe khoắn, khuôn mặt cương nghị, hằn trên trán nhiều nếp nhăn nhưng ánh mắt ấm áp, đáng tin cậy. Đưa chén nước về phía tôi, anh nói:

- Cô đến thăm anh hay có việc gì thế?

Tôi cười trừ méo mó và trình bày lí do. Nghe xong anh trả lời tôi luôn vì trường hợp tôi cần hỏi, anh đã nắm những phần tử ấy trong lòng tay của mình. Anh nói:

- Em cứ về đi, biết nguyện vọng của cháu anh sẽ cố thuyết phục anh ta. Nhưng anh nói trước, những con bạc đang khát như Trịnh, rất dễ cản đường ước mơ của con mình.

Truyện ngắn Phục sinh một tâm hồn  ảnh 1
Ảnh minh họa: ITN

Tôi ra về dù lòng nặng trĩu nỗi buồn, nhưng đâu đó vẫn len chút hy vọng có thể...

Ba năm học trôi nhanh như cái chớp mắt, những ngày tháng cận kề với kỳ thi, tôi nhìn thấy ngọn lửa của khát vọng rực cháy trong đôi mắt của em.

Nhưng rồi ước mơ ấy vụt tắt vào một buổi chiều khi các em đang hối hả hoàn tất hồ sơ thi đại học. Không thấy Văn đến lớp, tôi hỏi học trò thì được biết, bố Văn vừa bị bắt trên chiếu bạc. Tôi vội vã tìm đến căn nhà xiêu vẹo, cậu học trò của tôi đang ngồi trên bậc cửa, ánh mắt vô hồn, khô khốc. Từ chiều ấy, bộ hồ sơ thi cảnh sát của em đã trở thành kỉ vật cho cuộc đời mình.

Tôi vội vàng chạy đến gặp anh Chiêu, khi thấy tôi bước vào cửa phòng anh đã lên tiếng:

- Cô đến vì học trò của mình phải không?

- Dạ vâng!

Vừa rót nước mời tôi anh vừa nói:

- Anh biết Văn là một đứa trẻ ngoan, học giỏi và giàu bản lĩnh, đủ sức để thi đỗ vào học viện cảnh sát. Nhưng bố Văn đã bị tệ nạn ăn thịt nhân cách, chứng nào tật ấy, anh ta sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vậy nên theo anh, em nên động viên cháu chọn con đường khác. Em cứ bảo cháu sang đây, anh sẽ nói cho cháu hiểu và động viên cháu thêm.

Chiều đó tan học, tôi gọi Văn ở lại. Tôi nói với Văn về cuộc gặp gỡ sáng nay của mình với anh Chiêu, Văn nhìn tôi đầy cảm kích và nói:

- Thưa cô, em đã quyết định thi Đại học Y Hà Nội, cô cứ tin ở em.

Truyện ngắn Phục sinh một tâm hồn  ảnh 2
Ảnh minh họa: ITN

Rồi Văn òa khóc nức nở. Tôi biết đó là giọt nước mắt cuối cùng cho ước mơ làm cảnh sát tan vỡ.

Bên ngoài, nắng Hè vẫn chưa thôi gắt gỏng. Vầng phượng sân trường đỏ rực. Cậu trò của tôi, áo trắng đơn sơ đi dưới vòm chiều lộng lẫy! Một bức tranh đẹp và đầy ám ảnh trong tôi.

Mùa thi năm ấy, có lẽ là mùa mà tôi mong đợi nhất, mãi đến sau này, khi con gái tôi bước vào kỳ thi lớn nhất của đời học sinh, sự bồn chồn ấy mới trở lại. Tôi ngạc nhiên tự hỏi: Điều gì đã cho tôi những khoảnh khắc tựa hồ bừng thức tình mẫu tử với Văn? Phải chăng tôi ao ước những học trò của tôi sẽ không phải sinh ra từ những ông bố như bố Văn? Hay tôi mỏi mong, con tôi có được nghị lực như em? Nhưng khi đã đi qua nhiều thăng trầm, tôi mới hiểu ra, trí tuệ hình thành từ im lặng, bản lĩnh có được bởi nghịch cảnh. Vậy nên chúng ta hãy biết ơn cuộc đời vì bất kì thử thách nào cũng cho ta cơ hội.

Ngày nhận giấy báo điểm đỗ vào Đại học Y Hà Nội, cũng là ngày bố Văn phải ra trình diện công an huyện theo giấy triệu tập. Tôi nhận được tin này từ anh Chiêu. Sáng hôm sau, đến nhà Văn, vẫn thế, cảnh vắng teo, trống hoác. Cậu trò của tôi đã ngồi trên bậu cửa tự bao giờ, mái tóc cắt ngắn, bờ vai đã vuông, ra dáng người đàn ông trưởng thành.

Trong thời gian chấp hành bản án tại trại giam Ngọc Lý - Bắc Giang, có một vài lần tôi và anh Chiêu đến thăm Trịnh. Trịnh không còn nhìn chúng tôi bằng con mắt hằn học mà thay vào đó là ánh mắt như ăn năn, như sám hối. Từ ánh mắt ấy, tôi thấy có cả sự biết ơn và sự hồi sinh của một tâm hồn.

Mới hết ba năm, Trịnh được ra tù trước thời hạn vì có nhiều thành tích và chấp hành tốt nội quy, quy định của trại giam, nên được xét giảm án trước năm tháng. Hôm ấy, tôi nhớ bầu trời rất trong, hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân đón phạm nhân của mình ra tù, sẽ còn đọng mãi trong kí ức của tôi. Họ đèo nhau về trong ráng chiều đỏ rực, trên con đường làng quê nghèo bao ánh mắt đổ dồn về họ, lấp lánh, tràn ngập niềm tin, niềm tin vào nhân cách được hồi sinh.

Tối đó, hai người đàn ông bên chén rượu nồng, bố Văn đã khóc, giọt nước mắt của một nhân cách được trở về cuộc đời, khiến Chiêu - người chiến sĩ công an dạn dày trận mạc thấy tim mình như vỡ ra, có một điều gì đó như nỗi dịu êm đang loang tràn trong anh! Chiêu nói:

- Thời gian hòa nhập cộng đồng cũng chính là sự thử thách với anh, phải chấp nhận búa rìu dư luận, không manh động, kiên trì, nhẫn nhịn, anh sẽ vượt qua! Tương lai của cháu nằm trong tay anh, vun xới hay bóp chết, điều đó thuộc về anh.

Từ đó, Trịnh cặm cụi bên góc vườn, bờ ruộng. Cái nón rách che tối nửa khuôn mặt, ánh mắt len lén như lúc nào cũng trĩu nặng u uẩn.

Vào một đêm trăng suông, mất điện, Trịnh tìm nến trong ngăn bàn học của con, vô tình rớt xuống nền gạch một tập giấy, nhặt lên, đập vào mắt anh là bộ hồ sơ dự thi học viện cảnh sát, trên đó nắn nót dòng tên: Trịnh Văn. Buông rơi đĩa nến, anh bưng mặt khóc rưng rức. Trong đầu anh, những hình ảnh chạy hỗn loạn: Ngày anh 20 tuổi, hình ảnh bố mẹ, những canh bạc sát phạt, người vợ tiều tụy, đứa con trai gầy xanh xao. Anh đã cướp đi ước mơ của đời nó. Anh nghĩ, có lấy cả phần đời còn lại để trả món nợ tinh thần cho những người thân yêu của mình vẫn chưa đủ. Chợt có tiếng bước chân và giọng nói quen thuộc:

- Trịnh đâu, làm ấm trà mạn nào!

Trịnh vội lau mắt chạy ra, anh Chiêu đã ngồi ghé bên mép hiên, cái dáng cao gầy đổ xuống khoảng sân gạch lấp lóa trăng. Trăng đêm đó dãi dề như soi thấu cả những khuất lấp của hồn người.

- Lại khóc à? - Anh Chiêu thong thả hỏi.

Trịnh cúi gằm khuôn mặt giấu vào hai đầu gối, bờ vai gầy guộc, lam lũ rung rung từng đợt.

Không biết có bao đêm trăng suông như thế đã đi qua cuộc đời hai người đàn ông. Chỉ biết tháng năm lấy đi và cho thêm! Đứa trẻ đi dưới vòm phượng lộng lẫy năm nào đã thành một bác sĩ. Ông bố thì già đi. Còn người chiến sĩ công an ấy - anh Chiêu đã chuyển công tác sang một huyện khác. Tôi chưa già nhưng thi thoảng đã nhớ nhớ quên quên, vậy mà câu chuyện kể với độc giả thì khảm vào kí ức rực rỡ như tấm huân chương mà nghề chèo đò đã tặng cho tôi.

Chiêu - người chiến sĩ thầm lặng đã phục sinh được những tâm hồn tội lỗi và mở ra tương lai cho biết bao số phận bất hạnh! Và tôi, mỗi lần chứng kiến những câu chuyện xô bồ bên ngoài xã hội vẫn như thấy màu áo tin cậy và quân hàm lấp lánh trên vai Chiêu. Anh cùng những người đồng đội đã đem đến bình yên cho cuộc sống này!

Bài liên quan
Truyện ngắn 'Một trò đùa' của Nguyễn Thị Bích Nhàn
(GDTĐ) - Truyện ngắn 'Một trò đùa' của Nguyễn Thị Bích Nhàn - Giáo viên Trường THCS Trần Hưng Đạo, thị xã Đông Hòa, Phú Yên.

(1) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Truyện ngắn 'Phục sinh một tâm hồn' của Lạc Ý