- Tui trườn mình qua bụi keo gai, cha ơi gai cào rách tả tơi hai tay mà ráng cắn răng chịu, chỉ cần la lên một cái là tụi nó phía bên kia bờ suối bắn như mưa, chết không toàn thây liền. Tui quan sát thấy tụi nó có chừng mười đứa á nên vội quay trở về cấp báo.
- Trận đó nhờ công thám thính của ông mà tụi mình diệt gọn bọn trinh thám. Nè, hỏi thiệt, giờ mà kêu trườn qua bụi keo gai ông có dám trườn hông?
- Đi còn hông có sức đây nữa là trườn.
Hai ông già tóc bạc như mây trời ôm nhau cười sằng sặc. Rồi cùng khoác vai nhau cất tiếng ca: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai. Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình. Phải đâu may nhờ rủi chịu, phải đâu trong đục cũng đành, phải không anh phải không em. Chân lý thuộc về mọi người, đâu chịu sống đời nhỏ nhoi. Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người, ngày đêm canh giữ đất trời, rạng rỡ như rừng mai nở chiều Xuân…”
Nhìn hai ông bạn già trò chuyện, cùng nhau hát, con Ba tự nhiên chảy nước mắt. Anh con trai ông Thiện bối rối không biết phải làm sao cho phải phép. Nhận ra thái độ của anh, con Ba lau vội nước mắt, khẽ khàng:
- Từ bữa bệnh tới giờ, cha tôi không thiết ăn uống. Không ngờ giờ đây ông lại trò chuyện to được, còn hát nữa. Nhìn ông vầy, ai lại nghĩ ông đang giai đoạn cuối đâu.
- Vậy là bác…
- Dạ, bác sĩ giấu người nhà bệnh nhân nhưng do tôi có bạn học làm trong bệnh viện nên xem được bệnh án. Thời gian của cha tôi không còn dài nữa.
Nói tới đây, con Ba bật khóc nức nở, vội chạy vào nhà vệ sinh. Chàng trai lặng nhìn hai người cựu chiến binh, nhìn nụ cười của họ, cái khoác vai thân tình, tự dưng mắt anh cũng nhòe nước.
* * *
- Cha xin các con đó. Cho cha về. Cho cha đi, một lần cuối cùng thôi. Sẽ không còn cơ hội nữa đâu.
- Cha điên sao – thằng Hai hét lên – Đi rồi lên cơn đau bác sĩ đâu mà cấp cứu? Mà đi đâu được nữa tay chân đã teo cơ hết rồi.
- Không, cha đi được. Cha còn khỏe lắm. Nằm đây cũng chết. Đi cũng chết. Cứ cho cha đi.
- Khóc cái gì mà khóc. Không khuyên ngăn cha thì thôi khóc cái gì. – Thằng Hai nạt lớn.
- Anh cho cha đi đi. Cứ để cha thực hiện ước muốn cuối cùng của mình, ra đi thanh thản. Em xin anh đó.
Trước bốn con mắt van lơn, lòng thằng Hai chùng xuống. Rõ ràng cha anh nói đúng, ở đây cũng chết, đi cũng chết. Nhưng sao nỡ để cha đi được khi biết trước chẳng thể trở về.
- Anh hai. Anh nhẫn tâm ích kỷ lắm.
- Im ngay! Ai dạy thói hỗn hào ấy. Mẹ mất rồi. Cha bệnh. Giờ anh là người quyết định trong cái nhà này.
Hai cặp mắt nhìn nhau tóe lửa. Ông Năm quay mặt vào tường, nước mắt rỉ ra:
- Thôi được rồi. Cha không đi nữa. Anh em con đừng gây nhau nữa.
Con Ba ấm ức bỏ ra ngoài hành lang. Còn mình thằng Hai. Cậu nhìn người cha đang khóc một mình, thân thể đã héo hắt lại. Lòng cậu chùng xuống. Cậu hiểu niềm mong ước của cha cậu lớn đến nhường nào. Có thể ông sẽ không thể nhắm mắt đi xa khi chưa thực hiện được. Biết quyết định sao đây để vẹn tròn mọi việc.
Thời gian cứ chầm chậm trôi đi. Ngột ngạt. Bức bối. Thằng Hai không ngủ được. Nó lắng nghe âm thanh còn sót lại trong bệnh viện. Tất cả im lặng. Thi thoảng có tiếng dép, tiếng nói của ai đó dắt người bệnh đi vệ sinh. Mùi cồn xộc vào mũi hăng hắc. Yên tĩnh quá thành ra cậu nghe rõ cả tiếng thở nặng nhọc của cha. Bệnh tình ông chuyển nặng rất nhanh. Cứ thế này sẽ chẳng còn bao lâu nữa. Có thể hai ngày, một ngày, hoặc tệ hơn nữa là sáng mai. Khối u đã di căn lên não, tàn phá ngũ tạng mất rồi. Mỗi ngày chứng kiến cha teo tóp dần. Mỗi ngày quằn quại vì cơn đau phải truyền thuốc, uống cả morphin để giảm đau. Có thuốc cơn đau giảm dần, giấc ngủ khó nhọc đến với ông. Trong cơn mê ông ú ớ gọi tên đồng đội cũ. Nếu có thể, anh chỉ muốn gánh cơn đau đó cho cha để những ngày cuối đời ông có thể nhẹ nhàng ra đi. Rồi nhận ra mình bất lực, nước mắt anh âm thầm chảy. Mồ côi, ở tuổi nào chẳng khiến người ta đớn đau?
- Hai ơi! Hai ơi!
Có tiếng kêu khe khẽ của cha. Anh bật dậy quẹt ngang nước mắt:
- Cha đi vệ sinh ha?
- Không.
Ông cầm lấy tay cậu con trai. Mắt ông đã đờ đẫn, trắng dã.
- Để con đi gọi bác sĩ.
- Không. Cha muốn nói chuyện với con.
Người cha thều thào:
- Con… con có giúp cha được không?
- Con sẽ giúp cha. Cha muốn con giúp cha làm gì?
- Giúp cha… đi… đi với mấy bác… tìm, mang… họ về sum họp gia đình… nghen con!
Nhìn ánh mắt khắc khoải của cha, nước mắt anh tuôn xối xả:
- Con hứa. Con hứa với cha. Con sẽ thay cha đi tìm đưa mấy bác về nhà.
Ông Năm mỉm cười nhìn con trai, từ từ nhắm mắt. Thằng Hai rống lên tiếng kêu đớn đau:
- Ba ơi! Ba ơi!
* * *
Vậy là đã ba lần tháng Tư qua đi. Đã ba lần khoác ba lô theo những cựu chiến binh trở lại chiến trường năm xưa. Mỗi lần trở về là mỗi lần thằng Hai lặng mình đi cả tháng, để suy ngẫm nỗi đau chiến tranh. Ôi chiến tranh, dù thắng hay thua cũng gây mất mát, đau đớn nhiều như nhau. Đến bao giờ, cho đến bao giờ, vết sẹo của cuộc chiến ngày cũ mới lành hẳn? Biết là lâu, rất lâu, nhưng anh vẫn tin một ngày nào đó, vết thương khổng lồ ấy sẽ lành nhờ tình yêu thương của người với người, dẫu điều đó rất mơ hồ, nhưng anh vẫn tin chắc chắn là vậy.