Tận dụng ưu thế từ sự tính toán và năng lực bản thân
Để đảm bảo cho công tác tuyển sinh ổn định (đủ chỉ tiêu) rất nhiều trường ĐH, CĐ đã và đang mở rộng tối đa các phương thức xét tuyển. Trong hàng loạt phương thức xét tuyển có không ít phương thức xét tuyển có kèm thêm tiêu chí phụ (xét tuyển thẳng theo chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét tuyển bằng học bạ THPT, xét tuyển thông qua bài thi SAT). Do đó, nếu thí sinh không tỉnh táo rất dễ rơi vào trạng thái “đu dây” trên miệng vực.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM - cho rằng: Mỗi phương thức tuyển sinh đều có giá trị và thước đo năng lực thí sinh theo từng tiêu chí cụ thể. Vì vậy, không thể định hình được ưu thế nổi trội của phương thức nào thông qua số lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển.
Thí sinh có học lực giỏi chưa chắc đã chiếm ưu thế tuyệt đối ở phương thức xét tuyển học bạ THPT khi em nộp hồ sơ vào nhóm ngành hot, trường thuộc tốp đỉnh. Bởi ở từng phương thức xét tuyển, mỗi trường sẽ đưa ra các tiêu chí phụ khác nhau để có thể đánh giá năng lực người học một cách toàn diện, cũng như để “lọc” thí sinh phù hợp nhất. Trong nhiều phương thức xét tuyển, phương thức xét học bạ THPT đang được thí sinh khá ưu chuộng. Tuy vậy, với những trường tốp trên, có sử dụng tiêu chí phụ khi xét tuyển bằng phương thức học bạ THPT thí sinh cần hết sức lưu ý, vì các trường chỉ có thể kiểm tra học bạ sau khi thí sinh làm thủ tục nhập học. Vì thế, nếu thí sinh không để ý đến tiêu chí phụ rất dễ biến ưu thế của mình thành lợi thế cho người khác, PGS.TS Thắng nói.
ThS Trần Thúy Trâm Quyên - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng - cũng nhìn nhận nhiều phương thức xét tuyển không có nghĩa làm khó thí sinh, mà còn mở ra nhiều cánh cửa, con đường và cơ hội cho người học. Rất khó để khẳng định phương thức nào phù hợp nhất với thí sinh. Bởi tùy từng giai đoạn có kết quả tốt nhất, người học sẽ có được phương thức xét tuyển phù hợp với bản thân.
“Với những thay đổi mà Bộ GD&ĐT dự kiến điều chỉnh trong năm nay là lọc ảo chung (thí sinh trúng tuyển 1 trường) thì chắc chắn sẽ không còn hiện tượng một thí sinh A có thể trúng tuyển cả 4 phương thức vào 4 trường đại học. Với cách thức xét tuyển năm nay, các trường sẽ ưu tiên chốt lại trong đợt đầu tiên để ngay sau đó ổn định công tác dạy và học.
Vì thế, nếu trượt đợt 1, nguy cơ không có trường học là rất cao. Trong nhiều phương thức xét tuyển, tôi cho rằng nếu thí sinh có học lực khá giỏi thì phương thức xét bằng học bạ THPT sẽ chiếm nhiều ưu thế. Thí sinh đã quen với phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT. Khi đã xác định được ngành học, trường học yêu thích và năng lực học tập của bản thân, các em sẽ nắm bắt cơ hội cho mình ngay chứ không chờ đến khi có điểm thi tốt nghiệp THPT. Bởi thực tế, chất lượng đào tạo và hệ thống cơ sở vật chất và cả mức học phí các trường hiện không còn quá chênh lệch”, ThS Quyên nhận định.