Vai trò của giáo dục trong phát triển trí thông minh

Dương Cầm | 28/05/2022, 06:33
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Vai trò của giáo dục” là gì trong việc phát triển con người nói chung, phát triển trí tuệ nói riêng?

Ảnh minh họa.Ảnh minh họa.

Thảo luận về phát triển trí tuệ, nếu thừa nhận rằng “trí tuệ” thuộc về bẩm sinh hay nói cách khác, hầu như các chỉ số đo lường về “trí thông minh” của mỗi người không đổi theo thời gian thì “vai trò của giáo dục” là gì trong việc phát triển con người nói chung, phát triển trí tuệ nói riêng?

Nhận diện trí thông minh qua hoạt động

Chúng ta biết rằng, giáo dục sẽ mang đến cho người học kiến thức, kĩ năng… Qua việc học, con người sẽ hấp thụ và tạo thành “vốn” của mình. Và với vốn đó, con người sẽ sử dụng, sẽ làm, sẽ phát hiện ra mình trong cuộc đời. Trong khi đo trí tuệ, người ta cố gắng thoát ra khỏi kiến thức trong mỗi câu hỏi, điều đó mong muốn “hiểu về trí tuệ” thì cần thoát khỏi kiến thức.

Tôi nghĩ giáo dục tạo ra bối cảnh để người học bộc lộ “trí thông minh” của mỗi người. Hay nói cách khác, trí thông minh chỉ được nhận ra trong đời sống của nó. Cũng giống như cục vàng, những chế tác sẽ tạo ra giá trị mới nhưng thực chất là làm cho cục vàng đó được nhận ra nó có giá trị như thế nào nếu được mài giũa. Và đơn giản hơn nữa, ta có so sánh giữa nguyên liệu và món ăn. Chúng ta say sưa khoe những tiêu chuẩn nguyên liệu nhưng nếu không bỏ công ra để học nấu ăn, không thực hành chế biến món ăn, món ăn không được kết hợp với nhau phù hợp thì sẽ gây ra sự lạc lõng, đôi khi đối nghịch, có nguy cơ gây ngộ độc… Cho nên cùng tiêu chuẩn, nguyên liệu đó có thể trở thành tội đồ hoặc cũng có thể trở thành một tài sản.

Vì thế, một thông tin mà chúng ta có thể yên tâm rằng, đối với người học, trí thông minh cũng quan trọng, và dù nghiên cứu tâm lí học, thần kinh học… có khẳng định thế nào thì vai trò của giáo dục vẫn rất quan trọng để con người thực sự “phát hiện” ra trí thông minh của mình như thế nào.

Bài “thể dục” trí não cùng các con số

Tôi luôn nói rằng, nếu các bài toán có gì hữu ích cho con chúng ta, thì trước hết đó là bài tập thể dục cho trí não của chúng. Thử nghĩ xem, những thử thách vừa sức, lại khiến chúng ta có cơ hội tư duy, não phải, não trái “mách bảo” nhau, để đưa ra phương án. Nếu thờ ơ, sợ, né tránh... cũng không sao, cũng có nhiều cách tập luyện khác mà. Song chẳng cách nào thông dụng, hợp lí với não bộ hơn đâu!

Chẳng thế, mà nhiều người lớn vẫn sưu tầm những cuốn sách có những bài toán vui, để giải mỗi khi rỗi việc. Trên báo vẫn có góc nhỏ toán vui, hay giải mấy dạng Sudoku. Người lớn biết rằng, tập thể dục cho não để não khỏe, không mắc những bệnh nguy hiểm cho não khi về già.

Học toán hàng ngày có tác dụng thư giãn đấy, nên rèn từ nhỏ niềm yêu thích toán hay biết được một công dụng duy trì sức khỏe cho não cũng thú vị phải không?!

Nói đến đây, chắc chúng ta ngờ ngợ nhận thấy, nếu để con người học toán như là một “cực hình” hay để “săn giải thưởng” thì còn đâu bản chất “tập thể dục cho trí não” nữa!

Hình phạt không làm trí nhớ phát triển

Đa phần giáo viên bắt học sinh “chép phạt”. Một giáo viên dạy toán THCS đã tâm sự: Xưa em từng bị chép phạt 500 lần. Em thấy như vậy hơi nhiều nên giờ em chỉ bắt học sinh chép phạt 50 lần.

Vì sao cô giáo lại bắt học sinh chép phạt? Phải chăng để học sinh nhớ bài. Nếu chép đi chép lại thì cũng như học đi học lại...

Phải khẳng định rằng, chúng ta chẳng ai nhớ nội dung bài học nếu bài đó bị chép phạt. Có chăng chúng ta nhớ “nỗi đau khổ” của “bị phạt” mà thôi.

Có em học sinh đã hào hứng kể: Cháu viết liền 2 bút, cháu nhờ các bạn chép cho. Thế là xong.

Hãy nhớ rằng, tất cả thông tin đến cùng cảm xúc đau khổ, khó chịu, bị ép buộc thì đều dẫn đến tình cảnh “chống lại” của não bộ. Kiến thức có nhớ được chỉ là tạm thời một cách bị động. Và thế, nó không bao giờ bền vững. Và sự thật là chúng ta đã quên sạch những bài học như thế.

Vì sao bọn trẻ không thích học thuộc?

Tất cả trẻ năng động đều ngại học thuộc. Và nói chí lý rằng nếu học thuộc thì đứa trẻ lại “chóng quên”.

Để giúp trẻ có thể nhớ và làm được:

Khi dạy học khái niệm, hãy dùng con đường kiến tạo, kiến thiết... tức là ít nhất có khâu trẻ được khám phá trên những ví dụ, những tình huống có chứa khái niệm đó. Đây là cách trẻ tự tìm ra khái niệm của mình.

Nếu trẻ phát biểu định nghĩa về khái niệm có chưa đúng câu chữ, đừng lo lắng vì điều đó, chỉ cần phân biệt được và chỉ được nội hàm của khái niệm đã quá tuyệt rồi. Chẳng hạn, trẻ nhỏ không thể thuộc lòng hình chữ nhật là gì. Là cô giáo, chúng ta sẽ vui (đừng đau khổ) nếu chúng chỉ được xung quanh chúng đâu là hình chữ nhật và rút ra được đặc điểm chung của các hình đó.

Nếu trẻ ngại làm bài tập, thay vì bắt chép phạt lời giải, hãy cho trẻ vào bữa tiệc của bài tập cho phép trẻ chọn bài. Chỉ cần chúng làm chỉn chu một vài bài cho đến nơi đến chốn, chúng đã thực sự làm ổn.

Bài liên quan
Sóc Trăng: Khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 trước kỳ thi tốt nghiệp THPT
Ngày 26 - 27/5, học sinh lớp 12 ở tỉnh Sóc Trăng tham dự kỳ kiểm tra khảo sát chất lượng lớp 12 năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vai trò của giáo dục trong phát triển trí thông minh