Khởi nghiệp trong sinh viên ngày càng phát triển, mỗi trường có những cách làm riêng để hỗ trợ sinh viên. Theo TS Nguyễn Văn Thành, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang, trường đào tạo theo định hướng ứng dụng, đề ra 3 mục tiêu chính trong phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Đó là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, tạo môi trường cho sinh viên hình thành ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Điều này giúp các em cải thiện kỹ năng, rèn luyện tư duy, tiếp cận công nghệ và sáng tạo không ngừng, định hướng phát triển cho sinh viên trước khi rời ghế nhà trường.
Từ năm 2016 đến nay, Trường ĐH Kiên Giang đã tăng cường kết nối các mối quan hệ với doanh nghiệp để sinh viên có thể tiếp cận, trao đổi, có cơ hội thực hành thực tập trực tiếp. Từ đó trau dồi kiến thức chuyên môn, học hỏi cách thức tổ chức, vận hành của doanh nghiệp. Qua đó, các ý tưởng, dự án của sinh viên ngày càng đi vào trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi cao và phù hợp với sinh viên, nhiều dự án nhận được phản hồi tích cực từ ban giám khảo các cuộc thi.
Nhà trường từng bước xây dựng, kết nối với Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp Quốc gia phía Nam và các trường ĐH, CĐ để tạo môi trường, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như tạo ra các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo KGU-STARTUP hằng năm nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho người học. Giúp sinh viên thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực.
“Nhiều hoạt động đào tạo các lớp khởi nghiệp cho sinh viên, giảng viên đã được tổ chức thực sự tạo ra hiệu quả tích cực, lan toả được tinh thần văn hóa khởi nghiệp rộng rãi trong nhà trường và có sự kết nối với cộng đồng”, TS Nguyễn Văn Thành cho biết.
Tại cuộc thi Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL năm 2022 vừa tổ chức, dự án Cá cơm Xanh của sinh viên Nguyễn Thị Thúy Liên (Trường ĐH Kiên Giang) đã đạt giải Nhất. Theo Ban giám khảo, Cá cơm Xanh là dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mang nhiều giá trị như: Làm tăng chuỗi giá trị nguồn tài nguyên cá cơm bản địa, tạo thêm sản phẩm đặc trưng cho du lịch Kiên Giang và phục vụ cộng đồng, cung cấp sản phẩm đổi mới sáng tạo chất lượng với giá thành cạnh tranh…
Chia sẻ về dự án, sinh viên Nguyễn Thị Thúy Liên cho biết, dự án Cá cơm Xanh tập trung vào khai thác chuỗi giá trị của nguồn tài nguyên bản địa (Cá cơm biển Kiên Giang) để tạo ra các sản phẩm thực phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương nhằm phục vụ cho thị trường và du lịch. Sản phẩm của dự án gồm Bánh phồng cá cơm biển Kiên Giang và Muối ớt cá cơm biển Kiên Giang. Sản phẩm tập trung vào nguồn tài nguyên bản địa góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương…