Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt đối với Nga phần lớn chỉ giới hạn ở các đồng minh phương Tây của Ukraine, có nghĩa là nhiều quốc gia vẫn tiếp tục giao dịch thương mại với Nga.
“Thật khó để ngăn chặn các thiết bị vi điện tử dân sự vượt qua các đường biên giới và hòa vào dòng chảy thương mại toàn cầu. Đây là điều mà ngành công nghiệp Nga, quân đội Nga và các cơ quan tình báo của họ đang tận dụng”, ông Bendett nói.
Các dòng thương mại thường rất hỗn độn. Thông thường, một lô hàng có thể được mua đi bán lại nhiều lần, thông qua các doanh nghiệp hợp pháp, trước khi đến một quốc gia trung gian rồi từ đây lô hàng đó có thể được bán cho Nga.
Dữ liệu cho thấy Trung Quốc cho đến nay là nhà xuất khẩu lớn nhất sang Nga về vi mạch và công nghệ khác được tìm thấy trong các khí tài quan trọng trên chiến trường.
Người bán từ Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong, chiếm hơn 87% tổng lượng nhập khẩu chất bán dẫn của Nga trong quý IV/2022, so với 33% trong quý IV/2021. Hơn một nửa (55%) trong số hàng hóa đó không được sản xuất tại Trung Quốc mà được sản xuất ở nơi khác và vận chuyển đến Nga thông qua các trung gian có trụ sở tại Trung Quốc và Hong Kong.
Bà Olena Yurchenko, cố vấn tại Hội đồng An ninh Kinh tế của Ukraine, cho biết: “Đây không phải là điều ngạc nhiên vì Trung Quốc đang tìm kiếm lợi ích từ thực tế Nga bị phương Tây cô lập về kinh tế”.
Các dữ liệu thương mại cũng cho thấy, Moscow cũng đã tăng nhập khẩu từ các quốc gia được coi là bên trung gian ở Caucasus, Trung Á và Trung Đông.
Chẳng hạn, xuất khẩu sang Nga từ Gruzia, Armenia và Kyrgyzstan đã tăng mạnh vào năm 2022, trong đó các loại phương tiện, máy bay và tàu chiếm một phần đáng kể. Đồng thời, xuất khẩu của Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh sang các quốc gia được gọi là trung gian này cũng tăng, trong khi thương mại trực tiếp với Nga sụt giảm.
“Rất nhiều quốc gia trong số này thực sự không thể cắt đứt một số hoạt động thương mại nhất định với Nga, đặc biệt là những quốc gia có chung biên giới với Nga, chẳng hạn như Gruzia, cũng như các quốc gia ở Trung Á vốn vẫn duy trì có cán cân thương mại rất đáng kể với Liên bang Nga”, ông Bendett nói.
Các dòng chảy thương mại đang phát triển nhanh chóng khiến phương Tây tìm cách lôi kéo nhiều quốc gia hơn tham gia trừng phạt, hoặc áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với một số thực thể hoạt động tại các quốc gia đó nhằm kìm hãm sức mạnh quân sự của Nga.
Tháng 6/2023, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua một gói biện pháp trừng phạt mới bao gồm một công cụ chống lách luật nhằm hạn chế việc “bán, cung cấp, chuyển nhượng hoặc xuất khẩu” các hàng hóa và công nghệ bị trừng phạt cụ thể cho một số nước thứ ba đóng vai trò trung gian cho Nga.
Gói này cũng bổ sung 87 công ty mới ở các quốc gia bao gồm Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Armenia vào danh sách những công ty hỗ trợ trực tiếp cho quân đội Nga. Theo đó, các công ty này sẽ hạn chế xuất khẩu 15 mặt hàng công nghệ phát hiện trong thiết bị quân sự của Nga ở Ukraine.
“Chúng tôi không trừng phạt các quốc gia này. Những gì chúng tôi đang làm là ngăn chặn một số sản phẩm đã bị trừng phạt đến được Nga thông qua các nước thứ ba”, Người phát ngôn EU Daniel Ferrie cho biết.
Tuy nhiên, một số người hoài nghi liệu các biện pháp này có đủ hiệu quả hay không, đặc biệt là khi nói đến các đối tác thương mại lớn trên toàn cầu.
“Các biện pháp trừng phạt có thể hiệu quả chống lại một số nước chẳng hạn như Armenia hoặc Gruzia, vốn không phải là đối tác thương mại lớn của EU hay Mỹ. Nhưng khi nói đến Trung Quốc hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, đó là kịch bản rất khó xảy ra”, bà Yurchenko, thuộc Hội đồng An ninh Kinh tế Ukraine, nhận định.
Một số người cho rằng trách nhiệm cuối cùng thuộc về các công ty và họ cần phải làm nhiều hơn nữa để giám sát chuỗi cung ứng của mình, tránh để hàng hóa của họ rơi vào tay Nga.
“Bản thân các công ty nên có cơ sở hạ tầng để có thể theo dõi chuỗi cung ứng hàng hóa của mình và tuân thủ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu,” bà Ribakova nói.