Vì sao Dương lịch lại có năm nhuận?

PV | 08/01/2022, 16:09
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cứ 4 năm, chúng ta lại có một tháng hai có 29 ngày. Những năm như vậy được gọi là năm nhuận Dương lịch.

Năm 46 trước Công Nguyên, Julius Caesar đưa ra một loại lịch mang tên ông – lịch Julius (Julian Calendar) – được cải biên từ lịch La Mã sử dụng ngay trước đó. Lịch La Mã cũng lấy 12 chu kỳ tuần Trăng để làm một năm, và như vậy mỗi năm có 355 ngày. Vì 355 ngày là nhỏ hơn chu kỳ biểu kiến của Mặt Trời nên cứ khoảng 2 hoặc 3 năm, lại có một năm được chèn thêm một tháng nhuận có độ dài 22 hoặc 23 vào giữa tháng hai và tháng ba, khiến cho những năm như vậy có độ dài 377 hoặc 378 ngày.

Sự chênh lệch về độ dài của năm không chỉ gây khó khăn cho việc dự đoán chu kỳ thời tiết mà sau đó còn nảy ra một rắc rối là người giữ chức vụ Giáo hoàng của La Mã có quyền tự sắp xếp việc xen kẽ năm nhuận này, thậm chí có thể thay đổi độ dài của tháng nhuận (chẳng hạn cho tháng nhuận dài hơn và để tới 5 hoặc 6 năm mới đưa vào) để tạo thuận lợi cho độ dài của nhiệm kỳ giữ chức.

Để giải quyết song song việc đó và việc giữ ổn định chu kỳ năm, Julius Caesar đã cho sử dụng loại lịch mà theo đó mỗi năm đều có 365 ngày và cứ 4 năm thì có một năm nhuận 366 ngày, đáp ứng độ dài trung bình là 365,25 ngày cho mỗi chu kỳ biểu kiến của Mặt Trời. Năm 1582, Giáo hoàng Gregory XIII đã cho ban hành sửa đổi đối với lịch Julius. Đồng thời qui tắc tính năm nhuận được xác lập lại, theo đó năm nhuận là những năm đảm bảo hai yếu tố là Số năm chia hết cho 4; những năm tròn thế kỷ buộc phải chia hết cho 400.

Theo quy ước như vậy, chúng ta thấy rằng các năm như 2004, 2008, 2012, 2016, 2020 là các năm nhuận. Năm 2000 cũng là năm nhuận vì 2000 chia hết cho 400, nhưng năm 1900 hoặc năm 2100 thì không phải năm nhuận vì chúng chỉ chia hết cho 4 nhưng không chia hết cho 400. Lịch tính theo cách này được gọi là lịch Gregory và chính là Dương lịch được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới ngày nay.

Một cách hoàn toàn chính xác, ngay cả lịch Gregory vẫn có sai số nhất định so với chu kỳ quỹ đạo của Trái Đất, nhưng sai số đó rất nhỏ và phải mất hàng nghìn năm những sai số này mới gây ra chênh lệch đáng kể.

Đặng Vũ Tuấn Sơn, Hội Thiên văn học và Vũ trụ học Việt Nam

Bài liên quan
Nổ súng bắt kẻ trốn nã tội giết người suốt hơn 10 năm
Cảnh sát đã phải nổ súng, phá cửa ô tô bắt Nguyễn Văn Sơn - kẻ trốn nã tội giết người suốt hơn 10 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Dương lịch lại có năm nhuận?