Giáo dục

Vì sao số sinh viên ngoài công lập thấp so với mục tiêu?

24/04/2025 11:56

Sau 37 năm kể từ khi Trường ĐH Thăng Long, trường ĐH ngoài công lập đầu tiên, được thành lập, đến nay hệ thống giáo dục ĐH ngoài công lập dù phát triển nhưng số lượng người học vẫn thấp so với mục tiêu mà Chính phủ từng đề ra.

Nghị quyết về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH VN giai đoạn 2006-2020 đặt mục tiêu vào năm 2020, số lượng người học tại các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập chiếm 40%. Đến năm 2019, Nghị quyết 35 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 đã đặt lại mục tiêu đến năm 2025, số cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập đạt tỷ lệ 30% và số sinh viên (SV) theo học đạt 22,5%.

Hệ thống trường đại học ngoài công lập phát triển nhưng tỷ lệ sinh viên vẫn còn thấp so với mục tiêu (Ảnh: Trà My)

Hiện nay, trên trang web của Bộ GD-ĐT chỉ công bố số liệu thống kê quy mô ĐH từ năm học 2014-2015 đến năm học 2021-2022. Năm gần nhất mà Bộ công bố là 2021-2022, toàn quốc có 2.145.426 SV, thì SV học trường công lập là 1.728.856 (80,6%), ngoài công lập là 416.570 (19,4%).

Thế nhưng tại Báo cáo tổng hợp Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thực hiện tháng 10.2023 và chính thức triển khai vào tháng 2.2025, Bộ GD-ĐT nhận định: "Quy mô đào tạo tại các cơ sở ĐH ngoài công lập chiếm chưa tới một phần tư quy mô toàn hệ thống, chỉ chiếm xấp xỉ 20% SV. Trong khi tại một số quốc gia, tỷ lệ SV ĐH ngoài công lập cao hơn khá nhiều".

PHÂN HÓA THÀNH 2 NHÓM TRƯỜNG

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT, phân tích: "Trường ĐH ngoài công lập có 3 giai đoạn hình thành và phát triển. Ở giai đoạn đầu tiên, một số trường tiên phong đối mặt với những khó khăn như cơ sở vật chất phải thuê, giảng viên cũng từ trường công đến thỉnh giảng. Nhưng lúc này các trường tuyển sinh được do cung thấp hơn cầu. Giai đoạn 2 có thể tính là từ năm 2005, khi có Quyết định số 14 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục, sau đó được thể chế hóa bằng Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH. Lúc này các trường tư phát triển mạnh về số lượng. Ở giai đoạn tiếp theo, khoảng 10 năm tính đến thời điểm hiện tại, các trường bắt đầu đẩy mạnh tự chủ, triển khai văn hóa chất lượng, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và tham gia xếp hạng quốc tế".

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Tùng, hiện nay trường ĐH ngoài công lập bị phân hóa thành nhóm các trường phát triển tốt và nhóm các trường lâm vào tình trạng khó khăn. Trường tốt và có tiềm lực thì đầu tư lớn, phát triển mạnh, thu hút doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo, quy mô tăng, tham gia kiểm định chất lượng quốc tế và từng bước có tên trong các bảng xếp hạng. Còn các trường yếu thì tồn tại một cách chật vật do tuyển sinh sút kém.

Tiến sĩ Trần Ái Cầm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng nhận định: "Nhìn vào thực tế cho thấy các trường ĐH ngoài công lập phát triển chưa đồng đều. Đã có một số trường có uy tín, thu hút được người học, quy mô tuyển sinh không những ổn định mà ngày một tăng do quản trị và thực thi tốt, đầu tư có tầm nhìn dài hạn về cả cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giảng viên chất lượng, chương trình đào tạo gắn với thực tiễn. Tuy nhiên, cũng còn một số trường tuyển sinh vẫn khó khăn do hạn chế về tài chính, thiếu chiến lược dài hạn, khiến chất lượng đào tạo chưa đáp ứng kỳ vọng, làm giảm sức hút với người học".

3 nguyên nhân khó khăn

Từ những phân tích trên, tiến sĩ Lê Trường Tùng nêu 3 nguyên nhân khiến hệ thống ĐH ngoài công lập rơi vào thế khó.

Thứ nhất, do những khó khăn giai đoạn đầu với thực trạng "thầy thuê trường mướn", dẫn đến xã hội định kiến trường tư có chất lượng đào tạo thấp, không đỗ được trường công mới vào trường tư. Đến thời điểm này, nhiều phụ huynh và học sinh khi nói đến trường tư vẫn nghĩ là học phí cao, chất lượng thấp.

Nguyên nhân tiếp theo liên quan đến môi trường pháp lý, với những quy định không thống nhất gây khó cho nhà đầu tư. Ông Tùng chia sẻ: "Chẳng hạn như luật Đầu tư 2014 bỏ giáo dục ĐH ra khỏi danh mục ưu đãi, đến 5-7 năm sau mới được bổ sung trở lại vào danh mục ưu đãi đầu tư trong luật Đầu tư 2020. Tuy nhiên nghị định hướng dẫn luật Đầu tư 2020 lại vẫn không đề cập. Hoặc chính sách ưu đãi đất dùng cho giáo dục, cứ 5-7 năm lại sửa một lần, và mỗi lần sửa là theo hướng ưu đãi bị hạn chế hơn".

Ông Tùng nêu dẫn chứng năm 2008, nhà nước quy định giao đất sạch miễn phí cho các dự án xã hội hóa giáo dục, đến năm 2014 thì không còn việc giao đất sạch, ngay cả khi được miễn tiền đất thì nhà đầu tư phải trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Năm 2024, Nghị định 103 lại bãi bỏ quy định về ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất đối với dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa…

Nguyên nhân thứ 3 liên quan đến kinh phí hoạt động và quỹ đất. Tiến sĩ Lê Trường Tùng nhận định: "Để xây trường thì phải có đất, và để hoạt động được phải có tiền. Chủ trương của Đảng và Chính phủ là đối xử bình đẳng, không phân biệt trường công và trường tư, nhưng thực hiện thì không dễ, vì trường công được cấp đất, cấp tiền xây trường, được nhà nước chi một phần kinh phí hoạt động, còn trường tư thì khác".

Tiến sĩ Trần Ái Cầm cũng nhận định chính sách hỗ trợ từ nhà nước đối với khu vực ngoài công lập vẫn còn hạn chế. Các trường ngoài công lập gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, ưu đãi thuế hay tín dụng, trong khi hành lang pháp lý chưa đồng bộ, hạn chế động lực đầu tư bền vững.

Trong khi đó, PGS-TS Hồ Thanh Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng và từng là hiệu phó một số trường ngoài công lập, cho rằng một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của trường ĐH ngoài công lập là thiếu sự hỗ trợ về nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ phục vụ hoạt động đào tạo và nghiên cứu.

Nhiều ý kiến cho rằng cần chính sách ưu đãi đất đai và thuế cho các trường ĐH ngoài công lập (Ảnh: Mỹ Quyên)

Mong cải thiện chính sách ưu đãi đất đai và thuế

Ông Đỗ Quốc Anh, nguyên Vụ trưởng - Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, hiện đang là Phó chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho rằng hiện nay nhiều trường ĐH có vốn nhưng chưa chắc đã có đất sạch để xây trường vì việc tự giải tỏa đền bù đất là rất khó. "Nhà nước nên cho các trường ngoài công lập thuê đất sạch và có chính sách miễn giảm thuế", ông Quốc Anh đề xuất.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Lê Trường Tùng nhìn nhận: "Nhà nước có thể cải thiện chính sách ưu đãi đất đai và ưu đãi thuế cho các trường ĐH ngoài công lập, chẳng hạn như đất dùng cho mục đích giáo dục thì được miễn tiền sử dụng đất, và học phí nộp học trường tư thì được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân…".

Theo Tiến sĩ Trần Ái Cầm, giáo dục ĐH ngoài công lập VN mặc dù còn khá non trẻ về lịch sử phát triển so với thế giới, nhưng đang từng bước giữ vai trò quan trọng đối với giáo dục ĐH của đất nước, góp phần gia tăng khả năng và cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH cho mọi người.

"Để hệ thống trường ĐH ngoài công lập thu hút được người học nhiều hơn nữa thì cần có một số giải pháp đồng bộ. Một mặt, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và tạo động lực như ưu đãi về đất đai, thuế và tín dụng, cho phép các trường ngoài công lập có thế mạnh tham gia các dự án quốc gia, như phát triển chương trình đào tạo nhân lực công nghệ cao hay các chương trình nghiên cứu chiến lược", Tiến sĩ Ái Cầm cho hay.

Mặt khác, bà cho rằng các nhà đầu tư cần có tầm nhìn dài hạn, đầu tư trước về các nguồn lực, đảm bảo yêu cầu của nhà nước như các quy định trong Thông tư 01 về chuẩn cơ sở giáo dục ĐH, lấy chất lượng là kim chỉ nam và nền tảng mới tạo được niềm tin cho người học và xã hội. "Thêm vào đó, trong kỷ nguyên số, các trường chủ động đa dạng hóa mô hình đào tạo. Phát triển các chương trình học trực tuyến, khóa ngắn hạn và đào tạo kỹ năng mềm để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời, phát huy cao nhất tính năng động và linh hoạt của khu vực ngoài công lập", tiến sĩ Ái Cầm khuyến nghị.

Bài liên quan
Bảo đảm hiệu quả hoạt động của cơ sở giáo dục công lập khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành công văn số 1581/BGDĐT-GDPT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao số sinh viên ngoài công lập thấp so với mục tiêu?