Vị thế người thầy từ niềm tin của học trò

Đức Trí | 22/03/2022, 06:47
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trên hành trình đổi mới giáo dục, đội ngũ nhà giáo đóng vai trò quyết định chất lượng. Điều đó đòi hỏi người thầy không ngoài nâng cao chuyên môn cần gây dựng được niềm tin của học trò vào tri thức và bản thân.

Nâng cao vị thế của người thầy từ tri thức, kỹ năng và bản lĩnh. Nhưng cũng cần biết “cúi” mình lắng nghe, chia sẻ, chấp nhận điều hay, sự sáng tạo của học trò. Để vị thế người thầy trong mắt học trò luôn là “ngọn lửa” soi sáng, dẫn đường người thầy cần trở thành tấm gương sáng về lòng ham học, tinh thần tự học, đam mê nghiên cứu khoa học và đặc biệt sự toàn diện của ý thức, đạo đức...

Và có thể, người thầy nên trở thành nguồn cảm hứng tuyệt vời và sâu sắc, bền bỉ nhất trong học trò về học tập, tri thức. Một người thầy song hành cả về đạo đức và tri thức sẽ biết cách truyền cho học trò của mình niềm tin, khát khao khoa học và học tập suốt đời. Đó sẽ là nền tảng để hình ảnh người thầy luôn ngự trị bền vững trong mỗi học trò ở hiện tại và tương lai.

Thầy cô luôn là hình mẫu để học trò học hỏi noi theo

Lấy bao dung thu phục học trò

Ở đâu đó vẫn còn một số người thầy bị tác động tiêu cực, có biểu hiện xuống cấp về ý thức, đạo đức khiến cha mẹ, xã hội ưu phiền mất niềm tin với nghề giáo. Tuy nhiên, có thể khẳng định đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Đa số đội ngũ nhà giáo với trách nhiệm với công việc, sự hy sinh thầm lặng, yêu thương hết lòng vì học trò… đã và đang đóng góp không nhỏ cho nền giáo dục phát triển.

Cô giáo Nguyễn Hồng Hải, Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: Gây dựng niềm tin và giúp học trò phạm lỗi biết nhận ra để sửa chữa cần có phương pháp giáo dục riêng.

Với cô Hải, khi học trò có lỗi, cô không “đao to búa lớn”, mắng mỏ phê bình thậm tệ trước lớp. Đôi khi chỉ cần cô và trò biết về lỗi lầm, cùng trao đổi riêng và có hướng xử lý riêng. Tránh cho sự việc trở nên to tát, học sinh cảm thấy xấu hổ trước nhà trường, bè bạn và hơn thế coi giáo viên như một “chiến tuyến” thứ 2, không có sự tin cậy từ đó tách mình hoặc ngầm đối phó.

Nhiều học sinh của cô Hải sau khi ra trường, trưởng thành và gặp lại từng chia sẻ: Cách ứng xử của cô khiến học trò cảm nhận được bao dung, chở che, tấm lòng vị tha của người thầy. Nếu lúc đó, học trò xấu hổ và bị xử lý nặng thì các em có nghĩ cách đối phó với thầy cô nhiều hơn, thậm chí bỏ học… Dù đã nhiều năm nhưng trong lòng mỗi học trò cô luôn là hình mẫu để học trò học hỏi.

Không chỉ cô Hải mà rất nhiều thầy cô từng khẳng định, giáo dục là một hành trình bền bỉ đòi hỏi tấm lòng và đạo đức người thầy hơn bất kỳ ngành nghề nào. Dẫu bực tức thì cũng chỉ biết “nuốt” bực vào lòng để trò chuyện, phân tích giúp học sinh tự nhận ra lỗi lầm. Khi ý thức được lời nói, hành động của mình đã sai các em sẽ tự biết thay đổi, sửa chữa. Từ đó, vị thế của người thầy trong lòng học trò mới bền vững, ý nghĩa.

“Xây dựng vị thế của người thầy với học trò, xã hội và trong hoạt động giáo dục nếu không xuất phát từ tri thức đạo đức người thầy, từ niềm tin vào tiềm năng của học trò… thì quá trình giáo dục sẽ vất vả, khó thành công. Cũng chính vì lẽ đó, giáo dục trên hành trình đổi mới luôn cần những người thầy song hành cả tri thức và đạo đức...”, cô Nguyễn Hồng Hải chia sẻ.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/vi-the-nguoi-thay-tu-niem-tin-cua-hoc-tro-appSwLEnR.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/vi-the-nguoi-thay-tu-niem-tin-cua-hoc-tro-appSwLEnR.html
Bài liên quan
Lý Trần Quán và cái chết đầy đạo lý của một người thầy không dạy được học trò
Tiến sĩ nho học Lý Trần Quán làm quan dưới thời Lê trung hưng, ông nổi tiếng trung nghĩa, đã tự chôn sống mình khi không dạy được học trò.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vị thế người thầy từ niềm tin của học trò