Việt Nam chưa có ổ dịch đậu mùa khỉ

02/11/2022, 09:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết Việt Nam chưa có ổ dịch đậu mùa khỉ trong nước mà nguồn xâm nhập từ nước ngoài về.

Ngày 1/11, thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM cho biết, nữ bệnh nhân 38 tuổi là trường hợp thứ hai mắc bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện tại Việt Nam đã điều trị khỏi bệnh hoàn toàn và xuất viện.

Khoảng 2 tuần trước, bệnh nhân được chuyển từ sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất về Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cách ly, điều trị vì có biểu hiện mắc bệnh đậu mùa khỉ. Kết quả xét nghiệm cho thấy, nữ bệnh nhân dương tính với bệnh đậu mùa khỉ.

Việt Nam chưa có ổ dịch đậu mùa khỉ trong nước - 1

(Ảnh minh họa).

Nữ bệnh nhân cho biết, trước đó chị có tiếp xúc gần với bạn trai có biểu hiện nghi mắc đậu mùa khỉ tại Dubai.

Để phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế vừa thành lập 6 đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác chuyên môn về giám sát, đáp ứng, thu dung điều trị, truyền thông về phòng chống bệnh đậu mùa khỉ tại một số tỉnh thành (TPHCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Tây Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Gia Lai…).

Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại sân bay Nội Bài và 2 bệnh viện chuyên khoa về da liễu gồm Da liễu Trung ương và Da liễu Hà Nội.

Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết Việt Nam chưa có ổ dịch đậu mùa khỉ trong nước mà nguồn xâm nhập từ nước ngoài về. Hiện nay không chỉ có các nước châu Âu, Mỹ mà nhiều nước trong khu vực cũng đã có ca bệnh như Australia 40 ca, New Zealand hơn 20, Thái Lan cũng ghi nhận hơn 10 ca. Vì thế, nguồn bệnh xâm nhập đầu tiên là từ sân bay, sau đó là các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa da liễu.

Ông Dương đề nghị bệnh viện cần thường xuyên tổ chức các tập huấn, đào tạo về bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nếu có.

Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng lưu ý bác sĩ bệnh viện cần chẩn đoán phân biệt với các căn nguyên khác.

Bệnh viện Da liễu Trung ương hiện dành một phòng container để cách ly ca nghi ngờ. Vì thế, thành viên đoàn kiểm tra đề nghị bệnh viện cần có phương án cho tình huống có nhiều ca nghi ngờ hơn. Đồng thời, cần có các poster, tờ rơi truyền thông về bệnh đậu mùa khỉ.

BS Bùi Quang Hào, Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết mỗi ngày tại bệnh viện có 1.000-1.500 bệnh nhân đến khám. Đến nay, bệnh viện có tiếp nhận một số trường hợp từ nước ngoài đến khám, chủ yếu là bệnh viêm da cơ địa, chưa có trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ.

"Bệnh đậu mùa khỉ có các dấu hiệu về da như nhiều bệnh lý về da thông thường khác. Vì thế, bệnh viện đã lưu ý các bác sĩ khi thấy các triệu chứng về lâm sàng mà không giải thích được bằng các bệnh herpes, thủy đậu, giang mai, tay chân miệng… thì cần cảnh giác với bệnh đậu mùa khỉ. Đặc biệt, khi người bệnh có thêm biểu hiện sốt, mệt mỏi toàn thân hoặc có tiền sử đi từ nước ngoài về thì cần chuyển xuống phòng khám cách ly", BS Hào cho biết.

Bài liên quan
Bộ Y tế hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ
Bộ Y tế hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người. Theo đó, với đậu mùa khỉ, nguyên tắc điều trị triệu chứng là chủ yếu.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam chưa có ổ dịch đậu mùa khỉ