Nơi nhà máy chế biến đất hiếm được quy hoạch gần mỏ Nam Xe, tỉnh Lai Châu
Vào giữa tháng 7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 866/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 , theo đó Việt Nam sẽ đẩy mạnh tìm kiếm công nghệ, thị trường khai thác gắn với chế biến sâu đất hiếm, dự tính tổng sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn quặng mỗi năm.
Ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng đất hiếm được yêu cầu phát triển một cách đồng bộ, hiệu quả. Các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ đất hiếm phải có đủ năng lực và đầu tư dự án chế biến phù hợp, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường.
Đến năm 2030, các mỏ đã cấp phép như Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe (Lai Châu) sẽ hoàn thành thăm dò. Nhiều mỏ khác tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái được thăm dò mở rộng. Hai mỏ được chú trọng khai thác là Đông Pao (Lai Châu) và Yên Phú (Yên Bái) với sản lượng quặng mỗi năm dự kiến 2,020 triệu tấn quặng nguyên khai/năm.
Sau năm 2030, ngoài mở rộng mỏ Đông Pao, sẽ có thêm 3-4 dự án khai thác mới tại Lai Châu, Lào Cai, nâng tổng sản lượng khai thác lên 2.112.000 tấn quặng nguyên khai/năm.
Với REO, Chính phủ định hướng sẽ xây dựng các dự án chiết tách, chế biến tại Lai Châu và Lào Cai, công suất 20.000-60.000 tấn/năm. Hai tỉnh này cũng sẽ có ba dự án thủy luyện chế biến đất hiếm. Còn nhà máy chế biến đất hiếm tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái sẽ hoàn thành trong 7 năm nữa.
Theo Sputnik, nguồn tài nguyên đất hiếm vô cùng lớn của Việt Nam đủ sức hấp dẫn các "ông lớn" công nghiệp vi mạch và bán dẫn trên toàn thế giới. Ngoài Úc, rất nhiều quốc gia khác có mong muốn tham gia khai thác và chế biến đất hiếm ở Việt Nam, có thể kể đến Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada.
Hãng tin Nga cho biết, từ 13 năm trước, trong chuyến thăm Việt Nam, cựu Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã khẳng định mong muốn của Nhật Bản là hợp tác với Việt Nam trong việc khai thác đất hiếm.
Tháng 12/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký thỏa thuận hợp tác với người đồng cấp Hàn Quốc về việc hợp tác thăm dò và phát triển các chuỗi khoáng sản cốt lõi, bao gồm đất hiếm tại Việt Nam, để cung cấp chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định.
Nhiều siêu cường quan tâm tới tài nguyên đất hiếm của Việt Nam.
Gần đây nhất, vào tháng 6/2023, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cùng phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao tới Việt Nam, hai phía đã ký biên bản ghi nhớ thành lập trung tâm chuỗi cung ứng Việt Nam - Hàn Quốc về đất hiếm và khoáng sản cốt lõi nhằm duy trì nguồn cung ổn định cho các đối tác Hàn Quốc, đồng thời khuyến khích nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam.
Một cái tên đáng chú ý khác là Canada. Tháng 12/2022, ông Jeremy Harrison - Bộ trưởng Bộ Thương mại và Phát triển Xuất khẩu chính quyền tỉnh bang Saskatchewan (Canada) - đã dẫn đầu đoàn công tác trong chuyến thăm Việt Nam.
Chủ đề quan trọng của chuyến thăm là chia sẻ cơ hội hợp tác đầu tư phát triển năng lượng sạch giữa Saskatchewan và Việt Nam, trong đó có việc hợp tác khai thác bền vững và lưu trữ nguyên tố đất hiếm.
Tháng 8 năm nay, Reuters cho biết, các quan chức Mỹ đã cho thấy mối quan tâm ngày càng lớn của họ đối với tiềm năng đất hiếm của Việt Nam. Trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden vừa qua, mối quan tâm này đã được nhấn mạnh một lần nữa.
Đáng nói, hãng thông tấn Anh dẫn đánh giá của người trong ngành cho biết, với trữ lượng đất hiếm chưa khai thác đứng thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc và ngành công nghiệp xử lý còn non trẻ, Việt Nam có tiềm năng lớn và sự phát triển của Việt Nam rất đáng chú ý.
Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ngoài Trung Quốc có khả năng thiết lập đầy đủ mọi giai đoạn trong chuỗi cung ứng nam châm, từ khai thác đất hiếm cho tới sản xuất hạ nguồn.
Lexology - nền tảng nghiên cứu và cập nhật thông tin hàng ngày từ hơn 900 công ty luật hàng đầu thế giới - đăng bài viết đánh giá rằng trong tương lai Việt Nam có thể trở thành quốc gia xuất khẩu đất hiếm.
Theo đó, chắc chắn sẽ có những thách thức đối với Việt Nam do thiếu công nghệ phù hợp để thăm dò và khai thác các nguyên tố đất hiếm. Tuy nhiên, mối quan hệ hợp tác giữa các nhà đầu tư đủ điều kiện ở trong và ngoài nước sẽ được thúc đẩy để phát triển ngành công nghiệp vẫn còn non trẻ này.