Vĩnh Long chú trọng hướng nghiệp, phân luồng học sinh

Quốc Ngữ | 05/11/2022, 13:58
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông, nâng chất đào tạo nghề đang được tỉnh Vĩnh Long tập trung thực hiện.

Vĩnh Long chú trọng hướng nghiệp, phân luồng học sinh ảnh 1
HS Vĩnh Long tham gia Chương trình tư vấn hướng nghiệp năm 2022.

Tầm nhìn xa

Để đảm bảo công tác phân luồng, hướng nghiệp trong nhà trường, UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025. Qua đó tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp.

Theo đó, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2025 có 100% trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh có Chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; có ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT trên địa bàn tỉnh tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.

Hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 29 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và có hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm 3 trường cao đẳng; 1 trường trung cấp ngoài công lập; 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố; 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập và 12 cơ sở, đơn vị khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Quy mô tuyển sinh hàng năm của mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 32.000 lao động.

Về cơ cấu lao động, tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ lệ lao động ở khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ lệ lao động ở khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đến cuối năm 2020 tỷ lệ lao động trong độ tuổi của tỉnh đã qua đào tạo đạt 53,58% trên tổng số lao động đang làm việc. Trong đó tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 15,08%. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ở khu vực thành thị đạt 32,51%, ở khu vực nông thôn đạt 12,72%.

Khó khăn hiện nay là chất lượng lực lượng lao động của tỉnh còn chưa cao, cơ cấu trình độ đào tạo còn chưa hợp lý, còn tình trạng vừa thừa vừa thiếu lao động; còn một bộ phận lớn lao động của tỉnh là lao động phổ thông hoặc có trình độ tay nghề thấp, từ đó hiệu quả, tính bền vững trong việc làm và thu nhập của người lao động còn nhiều hạn chế.

Lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động nông thôn còn gặp khó khăn, thiếu các điều kiện để tiếp cận với việc làm có hiệu quả cao và bền vững, nhất là điều kiện về học vấn, trình độ tay nghề... Thực trạng trên ảnh hưởng lớn đến hiệu quả giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của các ngành nghề sản xuất ở địa phương, trong đó có nông sản và các sản phẩm từ ngành nghề nông thôn.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/vinh-long-chu-trong-huong-nghiep-phan-luong-hoc-sinh-post614025.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/vinh-long-chu-trong-huong-nghiep-phan-luong-hoc-sinh-post614025.html
Bài liên quan
Khắc phục bất cập trong tư vấn hướng nghiệp
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 không còn đặt ra tỷ lệ 30% học sinh sau THCS học nghề như giai đoạn trước.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vĩnh Long chú trọng hướng nghiệp, phân luồng học sinh